Những thương hiệu FMCG được mua nhiều nhất năm 2023
Loạt thương hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được mua nhiều nhất năm 2023 vừa được Kantar - công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam công bố tại báo cáo “Dấu ấn Thương hiệu Việt Nam 2024 - Brand Footprint Việt Nam".
Qua phân tích hơn 1.000 thương hiệu FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), báo cáo "Dấu ấn Thương hiệu Việt Nam 2024 - Brand Footprint Việt Nam" đã xếp hạng các thương hiệu FMCG được mua nhiều nhất tại Việt Nam năm 2023, thuộc 5 lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, sữa và sản phẩm thay thế sữa, sức khỏe và làm đẹp, chăm sóc gia đình.
Những “ông lớn” như Hảo Hảo, Chinsu, Nam Ngư... tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi tiếp tục nằm trong TOP 10 Lĩnh vực thực phẩm đóng gói được chọn mua nhiều nhất.
Theo báo cáo, Mì Hảo Hảo giành vị trí dẫn đầu tại thành thị và vị trí thứ hai tại nông thôn với chỉ số tiếp cận người tiêu dùng (CRP) tăng trưởng ấn tượng hai con số.
Trong năm 2023, mì gói "quốc dân" Hảo Hảo đã thu hút thêm 187.000 hộ gia đình thành thị, hơn một triệu hộ gia đình tại nông thôn, đạt tỉ lệ hộ mua lần lượt là 78,9% và 65,7%.
Chinsu và Nam Ngư duy trì vị trí TOP 5 ở cả thị trường thành thị và nông thôn. Thương hiệu dầu ăn Simply của Wilmar thăng hạng lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng thương hiệu thực phẩm đóng gói tại thành thị, vượt qua thương hiệu Biên Hòa.
Bên cạnh Hảo Hảo, chỉ có Cholimex, Maggi và Simply tăng được tỷ lệ hộ mua tại 4 thành phố lớn, với mức tăng khoảng một điểm phần trăm.
TOP 10 thương hiệu Việt ngành đồ uống được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn có sự thay đổi vị trí, với một nửa số thương hiệu ghi nhận tăng trưởng CRP (tỉ lệ hộ mua cao nhất) hai con số. Trong đó, Coca Cola giữ vững vị trí dẫn đầu, lần lượt thu hút thêm hơn 105.000 và 388.000 hộ gia đình mua mới.
Tại thành thị, nước tăng lực Sting chiếm vị trí thứ hai ngay sau Coca Cola. Lần đầu tiên nước đóng chai Aquafina lọt vào TOP 5.
Đáng chú ý là bia Saigon, leo lên 9 bậc để lọt vào TOP 10, với mức tăng trưởng CRP thần tốc 57,5%.
Ngành sữa và sản phẩm thay thế sữa, TOP 10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn là Vinamilk. Tại thị trường thành thị, TH giữ vị trí thứ hai, tiếp đến là sữa ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam. TOP 10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất thị trường nông thôn, Fami vị trí thứ hai.
TOP 5 chủ sở hữu thương hiệu FMCG được chọn mua nhiều nhất lĩnh vực còn lại tại thành thị và nông thôn giữ nguyên như năm ngoái. Vinamilk, Unilever, Masan thống lĩnh thị trường FMCG khi xuất hiện cả thị trường thành thị và nông thôn. Tại thị trường nông thôn, Acecook Việt Nam đạt được thêm 20 triệu lần mua hàng nhờ sự thành công của thương hiệu Hảo Hảo.
Ông Peter Christou, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam đánh giá, năm 2023 là năm đầy thách thức cho thị trường FMCG Việt Nam. Những yếu tố vĩ mô gây ra làn sóng lo lắng về tài chính trong hộ gia đình, khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm.
"Dấu ấn Thương hiệu Việt Nam 2024 ghi nhận những thương hiệu FMCG đã thành công trong thu hút người mua sắm, hiện diện trong các điểm chạm với người tiêu dùng và tìm không gian mới để phát triển", báo cáo của Kantar cho biết.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường FMCG Việt Nam, việc không ngừng đổi mới và thích ứng là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp. Người tiêu dùng ngày càng thông minh và đòi hỏi cao hơn từ sản phẩm và thương hiệu, do đó các thương hiệu cần không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.