Những tín hiệu tích cực cho sự trở lại của nhà ở giá rẻ
Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường bất động sản đón nhận nhiều tín hiệu tích cực cho phân khúc nhà ở giá rẻ khi có nhiều chính sách được ban hành, đồng thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bày tỏ quyết tâm sẽ tập trung cho chiến lược làm nhà ở giá rẻ phục vụ nhu cầu ở thực của người dân.
Chính sách mở và sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp
Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng chỉ ra, năm 2021, dự án căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất hạn chế, nếu có thì chỉ xuất hiện ở những khu vực xa trung tâm, hạ tầng chưa phát triển, chẳng hạn tại Hà Nội, dự án Ruby City CT3 (Long Biên) có giá 21,4 triệu đồng/m2, Tecco Tứ Hiệp (Thanh Trì) có giá 24,5 triệu đồng/m2… Tại TP.HCM thậm chí còn không có dự án căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản khó có thể phát triển ổn định nếu như tình trạng chênh lệch cung - cầu tiếp tục bị kéo giãn. Sự bất ổn về cung - cầu trên thị trường bất động sản ắt sẽ dẫn tới sự bất ổn về mặt an sinh - xã hội, trước hết là không đáp ứng được nhu cầu về nơi ăn, chốn ở của người dân, một trong những nhu cầu cơ bản nhất.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, thị trường nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ biến chuyển, khởi sắc khi Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, dần khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay.
Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, chỉ tiêu về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với sự “mở đường” từ chính sách, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã dần chuyển hướng, chú trọng hơn vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Đơn cử như từ năm 2022, Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ “bắt tay” với Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành để cùng triển khai một loạt dự án nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Hay như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được biết, từ năm 2022, tập đoàn này sẽ tập trung xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp. Bước đầu, doanh nghiệp sẽ khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bê tông, phục vụ cho công ty xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam.
Tương tự, liên danh Nam Long Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) với dự án nhà bình dân EHome Southgate cũng dự kiến tung ra thị trường Long An khoảng 1.400 căn hộ. Dòng sản phẩm này được Nam Long công bố vào quý IV/2021, hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường nhà ở giá rẻ trong năm 2022.
Ngoài những cái tên kể trên, một số chủ đầu tư khác như Kim Oanh, Bcons… đang chuẩn bị chào bán nhiều sản phẩm căn hộ giá thấp trong năm 2022 tại Bình Dương như dự án Bcons Sala (Dĩ An) với giá bán vào khoảng 27-30 triệu đồng/m2, Tecco Filice Home (Thuận An) chào bán trong tầm giá 26-27 triệu đồng/m2, Iris Tower có giá bán 24-25 triệu đồng/m2, Honas Residence (Thuận An) có giá từ 26-29 triệu đồng/m2…
Sự quyết tâm của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp sẽ mở ra một giai đoạn khởi sắc hơn cho loại hình nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Theo đó, giấc mơ an cư của hàng triệu công nhân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội được hiện thực hóa.
Cần thiết triển khai hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ
Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở giá rẻ trong thời gian tới cũng như giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, các chuyên gia đề xuất cần triển khai một số giải pháp mang tính đồng bộ.
Thứ nhất, cần quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Thứ hai, sửa đổi pháp luật về thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở và khoản 2 Điều 9 Nghị định 100) quy định mức thuế ưu đãi đối với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được ưu đãi hơn so với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua; cụ thể là được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ ba, bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại.
Thứ tư, đối với phần nhà ở xã hội cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội quy định chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; tuy nhiên trường hợp 2 năm liên tục không có đối tượng thuê thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được bán hoặc thuê mua.
Thứ năm, sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.