Những tín hiệu tích cực trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sơn La

Cộng tác viên
06:34 AM 22/05/2020

Thời gian qua, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Sơn La. Chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều động thái tập trung chuyển dịch nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Qua đó, góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

    Mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ tại tỉnh Sơn La. 

    Từ năm 2016, thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã cùng với toàn thể bà con nông dân trên địa bàn triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với chế biến, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp theo chiều sâu ở tỉnh lỵ miền núi phía Bắc này.

    Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay ngành nông nghiệp Sơn La đã có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Nông nghiệp đã chuyển mạnh từ số lượng sang phát triển chất lượng và giá trị, trên cơ sở thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Đồng thời, tỉnh cũng đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia cùng với người nông dân đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

    Trong lĩnh vực trồng trọt, Sơn La đã ứng dụng thành công công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Tỉnh đã đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt; khảo nghiệm và đưa vào sản xuất bộ giống hợp lý có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng.

    Hiện nay, tỉnh đã nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm tính thích nghi của hàng loạt giống cây trồng mới và đưa vào sản xuất các giống mới: 04 giống mía, 19 giống ngô, 05 giống lúa, 20 giống cây ăn quả các loại (trong đó có 02 giống nhãn chín muộn, 02 giống nhãn chín sớm, 04 giống bơ, 03 giống xoài, 03 giống cam quýt, giống hồng giòn MC1, giống thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, na hoàng hậu,…); 02 giống chè, 01 giống cà phê THA1,…

    Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp đã góp phần tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh giống, tăng tỷ lệ sử dụng hạt giống xác nhận, cây giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

    Tại Sơn La, chính quyền và người dân cũng đã phối hợp triển khai và ứng dụng thành công công nghệ ghép thay thế đối với các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế vườn. Đến nay, toàn tỉnh đã có diện tích ghép cải tạo cây trồng lên tới 12.672ha. Trong đó, cây xoài: 3.967ha; cây nhãn: 7.623ha; cây bơ: 583ha; cây cam: 364ha; cây bưởi: 432ha; cây ăn quả khác: 72ha. Các giống sử dụng chủ yếu gồm: Giống nhãn chín muộn miền Hưng Yên; giống xoài của Đài Loan, Úc, Thái; giống bơ Booth7, Read, bơ ghép, bơ địa phương; giống chanh leo Đài Nông; giống mận hậu, mận tam hoa; giống cam Cao Phong, cam địa phương, cam Vinh; giống hồng MC1, hồng Thái Lan; giống bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Tân Lạc và bưởi địa phương; giống đào Pháp, Mỹ, Hải Phòng,…

    Ngoài ra, việc ứng dụng ghép cà chua trên gốc cà tím; nhập nội và nhân giống một số giống hoa như: Hồng, lan, tulip… từ Đài Loan, Hà Lan theo phương pháp nuôi cấy mô đang được triển khai hiệu quả. Qua đó cho thấy phương pháp ghép có nhiều ưu điểm, thời gian cho quả nhanh, cây khỏe, ít sâu bệnh do có bộ rễ và khung cành to của cây gốc. Hơn nữa, việc ghép cải tạo giống cây trồng không tốn kém lại giúp rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản (so với trồng mới), cây nhanh ra hoa quả và đạt năng suất cao.

    Hơn nữa, với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp từ trồng trọt có chất lượng, an toàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, Sơn La triển khai nhiều mô hình trồng rau, hoa và cây ăn quả sạch theo phương pháp nhà kính, nhà lưới nhằm tạo hướng phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Đến nay, tỉnh đã có 53,21ha cây trồng trong nhà kính, nhà lưới. Trong đó, cây giống là 2ha, hoa là 23,39ha, rau các loại là 24,54ha, cây ăn quả là 2,88ha và cây cà phê là 0,4ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã có hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun,…) tiết kiệm nước là 508,25ha. Trong đó, hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây sản xuất giống là 2ha, hoa là 29,5ha, dược liệu là 4ha, nấm là 0,36ha, cà phê là 23,65ha, chè là 7,5ha, mía là 5ha, rau các loại là 61,96ha và cây ăn quả là 374,28ha.

    Song song với trồng trọt, chăn nuôi đang đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược trong sự phát triển nông nghiệp của Sơn La. Trong lĩnh vực này, Sơn La xác định để phát huy vai trò chăn nuôi trong nền kinh tế thị trường nói chung thì việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường hết sức cần thiết.

    Do đó, tỉnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán trao đổi gia súc. Cụ thể gồm: Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu; phối giống nhân tạo cho hơn 7.250 lượt bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman); phát triển nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR tại Mộc Châu, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ; ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như: Chăn lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chum,…

    Việc trồng trọt và chăn nuôi theo hướng CNC tại Sơn La đã và đang góp phần làm tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội. Ngoài ra, cũng đã mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng với giá thành thấp nhất nhờ quy mô sản xuất lớn và áp dụng các công nghệ sản xuất có hiệu quả cao.

    Đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia khi doanh thu từ sản xuất tăng lên, đóng thuế từ doanh nghiệp tăng và đồng thời hình thành mới các dịch vụ hỗ trợ. Tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới. Tạo giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).

    Với những thành tựu đã đạt được trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên đây, người dân Sơn La có quyền kỳ vọng về một nền nông nghiệp mới, phát triển theo hướng hiện đại. Các ứng dụng CNC sẽ được hiện hữu trong một ngày không xa trên chính mảnh đất này.

    Phạm Hồng

    Ý kiến của bạn
    Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

    Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…