Những vấn đề cấp bách đặt ra sau sự cố thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên

Đời sống
05:59 PM 09/12/2020

Hiện nay, người dân tại các khu chung cư trên địa bàn thành phố bày tỏ nỗi lo lắng, bất an của mình trong vấn đề sử dụng thang máy hàng ngày. Họ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị chức năng phải quyết liệt vào cuộc ngăn chặn các sự cố, tai nạn thang máy đáng tiếc như tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên.

Trong tuần qua, thông tin về vụ thang máy đột ngột ngừng hoạt động, trôi tự do khiến 3 người bị thương tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đang tạo nên một làn sóng dư luận nhiều chiều trên các phương tiện truyền thông. Người dân tại các khu chung cư trên địa bàn thành phố thì bày tỏ nỗi lo lắng, bất an của mình trong vấn đề sử dụng thang máy hàng ngày. Họ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị chức năng phải quyết liệt vào cuộc, đốc thúc việc bảo dưỡng, bảo trì thang máy đúng theo yêu cầu, quy định để ngăn chặn các sự cố, tai nạn thang máy đáng tiếc như tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên.

Những vấn đề cấp bách đặt ra sau sự cố thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên - Ảnh 1.

Kết luận kiểm định của Công ty TNHH Huấn luyện an toàn và kiểm định thiết bị Việt Nam đối với các thang máy tại chung cư B10A Nam Trung Yên.

Để tìm hiểu chi tiết về các vấn đề liên quan trong quản lý, vận hành thang máy tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, PV đã tìm hiểu sự việc và được biết: Thang máy xảy ra sự cố tại tòa nhà này là thang máy điện, loại Thyssen Krupp - một sản phẩm của Tập đoàn ThyssenKrupp (có trụ sở đặt tại Cộng hòa Liên bang Đức). Đây là loại thang máy được chế tạo từ năm 2007 bởi nhà chế tạo Thyssen Dongyang. Tại tòa nhà B10A, 04 thang máy Thyssen Krupp được đưa vào vận hành từ thời điểm tòa nhà được đi vào sử dụng: tháng 5/2012. Đơn vị kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy là Công ty TNHH Huấn luyện an toàn và kiểm định thiết bị Việt Nam. Đơn vị bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thang máy là Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ ATT.

Vào ngày 12/8/2020, Công ty TNHH Huấn luyện an toàn và kiểm định thiết bị Việt Nam đã đến kiểm định các thang máy tại chung cư B10A Nam Trung Yên. Kết luận kiểm định đã chỉ ra rằng: "Thang máy số 1 (L1) tải trọng định mức: 750kg, khi kiểm định còn: 600kg; Thang máy số 2 (L2) tải trọng định mức: 1.000kg, khi kiểm định còn: 750kg; Thang máy số 3 (L3) tải trọng định mức: 750kg, khi kiểm định còn: 600kg; Thang máy số 4 (L4) tải trọng định mức: 1.000kg, khi kiểm định còn: 500kg". Rõ ràng, các số liệu giữa tải trọng định mức và tải trọng khi kiểm định đã "có vấn đề". Ngay cả phía Công ty TNHH Huấn luyện an toàn và kiểm định thiết bị Việt Nam trong kết luận kiểm định cũng chỉ ra rằng: "Nguyên nhân: Thang máy do trượt cáp trên Puly động cơ dẫn đến tải trọng của thang không tải được đúng theo định mức, vì Puly bị hao mòn". Đồng thời, đơn vị này đã đề nghị "cho thay thế Puly động cơ và bổ sung thêm Bo đối trọng cho thang".

Những vấn đề cấp bách đặt ra sau sự cố thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên - Ảnh 2.

Thang máy xảy ra sự cố được niêm phong phục vụ công tác điều tra.

Đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: «Việc thay thế Puly động cơ và bổ sung thêm Bo đối trọng cho thang" tại chung cư B10A Nam Trung Yên theo đề nghị của Công ty TNHH Huấn luyện an toàn và kiểm định thiết bị Việt Nam đã được tiến hành hay chưa? Đây có phải là lý do khiến sự cố đáng tiếc xảy ra hay không?". PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc với đơn vị có trách nhiệm quản lý vận hành, bảo trì tòa nhà: Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) - chủ đầu tư B10A Nam Trung Yên). Tuy nhiên, Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị nói rằng xí nghiệp đã bàn giao toàn bộ công tác quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư B10A Nam Trung Yên cho Ban Quản trị nhà B10A.

Đồng thời, cung cấp thông tin, yêu cầu PV liên hệ, đặt lịch làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và đơn vị trực tiếp vận hành tòa nhà hiện giờ là Công ty CP Tư vấn xây dựng HMB. Khi PV đặt lịch làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng chỉ được đơn vị này gửi cho một thông cáo báo chí với nội dung rất chung chung.

Trước động thái có phần "né tránh" trách nhiệm từ phía Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, thiết nghĩ: Thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng - tòa nhà B10A - mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm về mọi hạng mục thi công. Do vậy, khi xảy ra sự cố thang máy, trước khi điều tra làm rõ nguyên nhân để quy trách nhiệm cụ thể thì đơn vị/doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành thang máy phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho người bị thiệt hại (nếu có) và sửa chữa thang máy.

Và đơn vị/doanh nghiệp này, không ai khác phải là Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị, tiếp đó là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Đây là các đơn vị trực tiếp hoàn thiện các biên bản nghiệm thu công trình nhà B10A cũng như chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình căn cứ theo biên bản nghiệm thu.

Theo dòng sự việc, để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc khi ký Hợp đồng dịch vụ số 10/2019/HĐDV-BQTB10A-HMB với Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng HMB Hà Nội "thực hiện công tác quản lý vận hành nhà chung cư B10A" và Hợp đồng cung cấp dịch vụ số 57/2020/HĐBT-ATT2020 với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ ATT "thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thang máy", Ban Quản trị tòa nhà B10A đã khảo sát năng lực bảo trì, kinh nghiệm quản lý vận hành của các đơn vị này hay chưa? PV đã liên hệ với ông Trịnh Văn Hải - Thành viên Ban Quản trị tòa nhà B10A Nam Trung Yên. Đáng tiếc là PV đều nhận được những thái độ thiếu hợp tác.

Cần thấy rằng, trong quá trình tìm hiểu các thông tin liên quan đến các khả năng cao nhất của việc lỗi kỹ thuật trong vận hành thang máy. PV nhận thấy rằng: Mỗi thiết bị thang máy khi đưa vào hoạt động đều phải thông qua hệ thống bo mạch vô cùng phức tạp, đòi hỏi chuẩn xác cao. Hệ thống bo mạch chính là "bộ não" để điều khiển thang máy được vận hành đúng quy trình và chính xác nhất. Và khi các sự cố thang máy xảy ra, chúng tôi cần tiếp cận các thông tin, tìm hiểu việc thang máy không trang bị đầy đủ bo mạch giám sát an toàn hay chưa? Bởi nếu đơn vị vận hành lắp đặt thang máy thiếu uy tín, có thể cắt xén các thiết bị mạch giám sát an toàn nhằm tăng thêm lợi nhuận, hoặc giảm giá thành để thu hút khách hàng. Điều này là vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn cho người sử dụng.

Những vấn đề cấp bách đặt ra sau sự cố thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên - Ảnh 3.

Tòa nhà B10A Nam Trung Yên.

Hơn nữa, việc bảo trì thang máy định kỳ là bảo vệ tính mạng cho người dân tại các khu chung cư. Do đó, ngay khi có sự cố về thang máy, điều chúng tôi quan tâm là việc vận hành và bảo trì có thực hiện đúng các quy định tại "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy điện không buồng máy" ban hành kèm theo Thông tư số 48/2016/TT-BLĐTBXH hay chưa? Khi phát hiện thang máy «có vấn đề», đơn vị chức năng đã phối hợp với nhà sản xuất hoặc ngành chức năng kiểm tra, khắc phục ngay sự cố hay chưa?

Với những thông tin cần được giải đáp và những vấn đề cấp bách nêu trên, thiết nghĩ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị và Ban Quản trị tòa chung cư B10A Nam Trung Yên cần sớm có động thái lên tiếng về trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra sự cố thang máy này. Đồng thời, cần phối hợp để tìm ra đâu là nguyên nhân dẫn đến sự cố, từ đó có hướng giải quyết triệt để, không để xảy ra thêm một tai nạn đáng tiếc nào khác. Bởi nếu có sự chủ quan, lơ là của các đơn vị liên quan, tính mạng và sức khỏe của cư dân B10A Nam Trung Yên nói riêng và người dân nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Xin đừng để đến khi sự cố xảy ra, các bên mới «giật mình» loay hoay tìm câu trả lời «Ai là người chịu trách nhiệm?".

Tạp chí DN&TT kính chuyển các thông tin nêu trên tới Công an quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội. Đề nghị các đơn vị chức năng quyết liệt tiến hành làm việc với Ban Quản trị tòa nhà, tiếp nhận hồ sơ bảo trì, giấy tờ vận hành thang máy để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng cá nhân/tổ chức và có hướng xử lý phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong các số tiếp theo.

Nguyễn Hạnh - Phạm Thủy
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.