Những vấn đề nổi bật trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 - Một số vấn đề nổi bật”.

Hội thảo nhằm phổ biến các điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 - Luật số 19/2023/QH15 ban hành ngày 20/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; cũng như thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua hội thảo, nhằm tìm hiểu các căn cứ pháp lý để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đồng thời, có sự tham khảo, chắt lọc từ kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới để không chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả mà còn bảo đảm tính dự báo, có khả năng điều chỉnh các vấn đề có xu hướng phát sinh từ thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Những vấn đề nổi bật trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) phát biểu khai mạc hội thảo.

Tham dự hội thảo, có ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia); ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP); cùng gần 100 đại biểu là đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một số Hiệp hội, Câu lạc bộ, doanh nhân và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Khai mạc hội thảo, ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã có bài thuyết trình sắc nét về tổng quan các vấn đề cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và một số vấn đề nổi bật của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024.

Theo đó, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 07 Chương, 80 Điều (tăng 29 Điều so với Luật cũ). Luật mới bổ sung thêm đối tượng áp dụng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 

Luật cũng bổ sung, làm rõ khái niệm về một số chủ thể mới, bao gồm: Người tiêu dùng, người có ảnh hưởng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Đối với các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, các giao dịch trên không gian mạng, Luật đã bổ sung đối tượng mới là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những vấn đề nổi bật trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như: Được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; Quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh; Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định,...

Luật số 19/2023/QH15 cũng bổ sung một số nghĩa vụ của người tiêu dùng như: Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật,...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo đó, Luật số 19/2023/QH15 đã xác định rõ 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật số 19/2023/QH15 quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Luật số 19/2023/QH15 bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

Luật mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.

Cùng với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời bổ sung các căn cứ pháp lý để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Những vấn đề nổi bật trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có phát biểu về một số lưu ý triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đối với doanh nghiệp. Trong đó tập trung xem xét các vấn đề về xây dựng văn bản nội bộ, quy trình; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng đã làm rõ những vấn đề như công tác thanh tra kiểm tra phòng chống hàng nhái, hàng giả góp phần bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời, chia sẻ một số thông tin về nhận biết hàng hoá chất lượng cho người tiêu dùng tránh mua hàng hoá kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả; đề xuất thêm một số nhiệm vụ thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

Hội thảo "Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 - Một số vấn đề nổi bật" đã thành công tốt đẹp. Thông qua hội thảo, các đại biểu có thêm những kiến thức cơ bản và hữu ích về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Quảng bá du lịch đêm Hà Nội qua chương trình “Đêm Trúc Bạch” Quảng bá du lịch đêm Hà Nội qua chương trình “Đêm Trúc Bạch”

Loạt hoạt động quảng bá du lịch đêm Hà Nội với chủ đề “Đêm Trúc Bạch” tổ chức cuối tuần này sẽ giúp khách du lịch được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, đưa du khách “trở về” thời bao cấp, một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam.