Những việc cần làm khi mở cửa lại nền kinh tế

Đầu tư và Tiếp thị
10:21 AM 25/09/2020

Theo các chuyên gia, ở giai đoạn đầu khi tái vận hành nền kinh tế, điều cần ưu tiên vẫn là bảo vệ hệ thống y tế và giữ việc làm.

Bảo vệ hệ thống y tế và giữ việc làm

Theo các chuyên gia, ở giai đoạn đầu khi tái vận hành nền kinh tế, điều cần ưu tiên vẫn là bảo vệ hệ thống y tế và giữ việc làm.

Du lịch, hàng không, dịch vụ nhà hàng đang dần hồi phục khi gần 20 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 mới. Trả lời VnExpress, các chuyên gia cho rằng điều kiện tiên quyết để nền kinh tế trở lại bình thường là tính an toàn trong cộng đồng, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm trở lại sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu nhìn nhận, ngoài chuẩn bị các kịch bản khác nhau, Việt Nam nên tiếp tục đầu tư mạnh cho hệ thống y tế cộng đồng, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển vaccine và mua sắm các thiết bị y tế cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh, vẫn nên ưu tiên các biện pháp chống dịch. Nhưng ngoài ra, ông bổ sung, cần có những chính sách ngay để giữ lao động và việc làm để bảo vệ nhóm dễ tổn thương nhất.

Nhóm dễ bị tổn thương, theo ông Tự Anh, là khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực phi chính thức, khó duy trì cuộc sống khi mất đi sinh kế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch - vừa chịu tác động khủng khiếp từ Covid-19.

Ông Đặng Hoàng Hải Anh, GS thỉnh giảng đại học Indiana (Mỹ) cũng lưu ý nhiều đến các chính sách "giảm đau" cho nền kinh tế. Theo ông, Chính phủ nên tiếp tục tìm cách giảm hoặc hoãn các loại thuế, phí cho doanh nghiệp và cả các chi phí như điện, nước, Internet... một cách hiệu quả. "Giống như người vừa khỏi ốm, nền kinh tế cần được tĩnh dưỡng và bồi bổ hợp lý để khoẻ hẳn lại", ông nói.

Những việc cần làm khi mở cửa lại nền kinh tế - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại Nội Bài để bay đi Narita (Tokyo) hôm 19/9 sau 6 tháng đường bay bị dừng. Ảnh: Giang Huy.

Tư duy chính sách cần thay đổi 

"Một điểm tốt của Covid-19 là giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại và tư duy khác về những điều vẫn làm từ trước tới giờ. Nhiều vấn đề đã không còn đúng sau đại dịch", TS Vũ Thành Tự Anh – Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nói với VnExpress. Một trong số đó là cần xác định lại tầm quan trọng của nội lực kinh tế.

Ông Tự Anh nhận định, trong nhiều năm liền, Việt Nam "hăm hở" xuất nhập khẩu, trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài. Những điều này không sai, song trong bối cảnh khủng hoảng mới thấy nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, doanh nghiệp nội địa quá yếu ớt. Do vậy, ông cho rằng dù ngoại lực là quan trọng, nội lực mới là then chốt cần củng cố để hạn chế được rủi ro bên ngoài khi có biến cố.

Theo ông, một nguyên nhân khiến nền kinh tế nội địa bị hạn chế cũng đến từ tư duy chính sách bất cập trong quá khứ khi đầu tư nguồn lực dàn trải, phân bổ không hợp lý. Ví dụ, khu vực Đông và Tây Nam Bộ cùng nhau chiếm 40-50% ở hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng như GDP, việc làm mới, thu ngân sách... nhưng chỉ có khoảng 100 km trên tổng số hơn 1.300 km đường cao tốc của cả nước. Hay ngành nông nghiệp vốn tạo ra sinh kế cho gần 50% dân số, là bệ đỡ giảm sốc khi khủng hoảng xảy ra nhưng tỷ lệ đầu tư chỉ khoảng 6% ngân sách và lại giảm hơn một nửa trong 15 năm gần đây.

Sự bất cập này khiến nền kinh tế phải trả giá khi dịch bệnh kéo đến với giả định GDP quý II có thể cao hơn mức 0,36% nếu các khu vực trọng điểm chống đỡ tốt nhờ nhận đầu tư đúng mức.

Nếu tiếp tục đi theo lối tư duy cũ như phụ thuộc vào bên ngoài mà bỏ quên nội lực, không tạo ra nền tảng phát triển mới..., ông Tự Anh cho rằng, Việt Nam sẽ khó phát triển dù có Covid-19 hay không.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Khương cho rằng chính sức khoẻ nội tại của nền kinh tế mới tạo ra được sức bật và năng lực cạnh tranh lâu dài cho mỗi quốc gia. Theo ông, Việt Nam cần tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng, sản xuất được hàng hoá thiết yếu cho thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa.

"Điều này phải là những ưu tiên hàng đầu cho cỗ máy tăng trưởng trong thời gian tới", ông nói.

Những việc cần làm khi mở cửa lại nền kinh tế - Ảnh 2.

Sản xuất ống nhựa tại nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen.Ảnh: Phương Đông.

Còn ông Đặng Hoàng Hải Anh nhấn mạnh, Chính phủ cần linh hoạt để sửa chữa kịp thời những vấn đề khó khăn cản trở hoạt động của doanh nghiệp ngay khi doanh nghiệp, người dân phản ánh. Sự linh hoạt này sẽ tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ chế kinh tế thị trường cần được phát huy mạnh mẽ, để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. "Có như vậy, Việt Nam mới tạo được ra những doanh nghiệp mạnh thực sự có thể phát triển lâu dài", ông Hải Anh nhận xét.

Sự chuẩn bị cho những xu hướng, ngành nghề mới được thúc đẩy nhờ Covid-19.

Các chuyên gia cho rằng những ngành "online" như thương mại điện tử sẽ trở thành mũi nhọn kinh tế sau Covid-19. Tuy nhiên, để tạo lực đẩy cho ngành này, bên cạnh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi như cắt giảm các chi phí logictics, vận tải... cũng cần cách nghĩ khác về chính sách.

Theo quan điểm của ông Khương, các chính sách phải có tính dự báo về tương lai, đủ rộng để có không gian cho doanh nghiệp thử nghiệm những mô hình, cách thức kinh doanh chưa có trước đó. "Doanh nghiệp phải được thử thì mới phát triển được", ông nói.

Hay như ông Tự Anh nhận định, để đẩy mạnh quá trình từ "offline lên online", đơn giản là phải có cách nghĩ khác về hạ tầng. Trước đây, cơ sở hạ tầng đang bị hiểu theo nghĩa hẹp khi giới hạn hình dung về xây cầu cống, đường xá. Nhưng giờ đây, khái niệm hạ tầng cần được mở rộng bao gồm cả các nền tảng công nghệ thông tin, an ninh mạng, các nền tảng thanh toán điện tử và giảng dạy trực tuyến.

Ngoài ra, ông Khương và ông Hải Anh đều lưu ý đến yêu cầu về phát triển bền vững, hài hoà với hệ sinh thái thiên nhiên. Theo đó, Việt Nam cần suy nghĩ đến các chính sách hướng đến các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, ít sử dụng tài nguyên, thúc đẩy chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo cũng như phát triển các công cụ tài chính phục vụ cho mục tiêu này.

"Trong tương lai, tư duy về kinh tế xanh không còn là phần phụ, dấu cộng thêm nữa mà đòi hỏi đồng bộ, gắn chặt vào việc phát triển đất nước", ông Khương nói.

Phương Ánh
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.