Những yếu tố đẩy giá thép lên cao kỷ lục
Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mức giá thép nguyên liệu đầu vào để sản xuất rất cao, tăng khoảng 25 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thép xây dựng cũng đã lên đến khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg, giá thép kỹ thuật khoảng 60.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, là những mức cao kỷ lục.
Theo các chuyên gia, giá nguyên liệu đầu vào tăng trên toàn cầu do tình trạng chi phí vận tải biển tăng vì thiếu vỏ container rỗng là một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng cao kỷ lục.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nói với báo chí: "Rõ ràng nguyên liệu đầu vào là tác nhân chính khiến giá thép tăng giá. Thời điểm năm 2020, giá thép tăng từ 10 - 20%. Đến thời điểm hiện nay, có lúc giá thép giao dịch tăng 20 - 30%".
Giá quặng sắt hiện ở mức trên 170 USD một tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Thép cuộn cán nóng cũng ghi nhận tăng 44% so với cùng kỳ, ngưỡng giá 660 USD một tấn. Chưa kể, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Giá thép trong nước tăng cao còn do tác động từ cầu trên thị trường thế giới khi nguồn cung thiếu hụt và thời gian giao hàng kéo dài ở Mỹ, châu Âu. Chưa kể nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.
Một nguyên nhân khác được giới chuyên môn nhận định đối với mặt hàng thép xây dựng chính là có hiện tượng đầu cơ tại thời điểm giá thép tăng cao.
Nghi vấn đầu cơ mặt hàng thép, một đơn vị xây dựng cho rằng, giá thép hiện cao hơn khoảng 40% so với thời điểm quý III/2020. Tuy nhiên diễn biến thị trường khác thường so với những đợt giá thép tăng cao trước đó.
Bà Trang Thu Hà - Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định trên Doanh nhân Việt Nam: "Sản lượng thép xây dựng tháng 2 rất thấp, chỉ hơn 600.000 tấn, tháng 3 là 1,2 triệu tấn. Nguồn cung thép trong nước không thể thiếu nhưng có thể các nhà thương mại sẽ tích trữ nguồn thép khi thấy giá tăng".
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, nghi vấn có hiện tượng đầu cơ thép dẫn đến việc thiếu thép cục bộ. Phôi thép không thiếu, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phôi thép trên thị trường.
Hiện tại, bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng hàng ngày thay vì tuần như trước và không quên nhắn nhủ "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".
Phân tích của các chuyên gia ngành thép cho thấy, chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến cuối năm nay. Một số dự án hạ tầng, đầu tư công lớn sắp triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành... cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ khiến nhu cầu thép tăng 3-5% so với 2020.
Hoài Thương (Tổng hợp)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.