Những yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng liên tục "dò đáy"

Chứng khoán
02:45 PM 30/08/2021

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có mức giảm mạnh, tới 15-40% từ đỉnh cuối tháng 6 và vẫn chưa có dấu hiệu đi lên, cho dù Vn-Index cùng nhiều nhóm ngành đã hồi phục đáng kể sau đợt giảm sâu vừa qua.

Trong khi cổ phiếu ngành chứng khoán và thép (vật liệu xây dựng) đang hồi phục tăng mạnh thì cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp đà giảm sâu. Theo nhiều chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đang đối mặt với một trong những đợt rung lắc mạnh từ khoảng thời gian đầu tháng 7/2021 cho đến nay. Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng không đồng pha với thị trường.

Những yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng liên tục "dò đáy" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhiều cổ phiếu của nhóm này cũng đã có mức giảm giá khá lớn như VIB giảm hơn 30% từ mức đỉnh đạt được vào đầu tháng 6/2021 và hiện đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong 5 tháng qua. Cổ phiếu CTG và BID đã sụt giảm hơn 20% so với mức đỉnh tháng 7, giá cổ phiếu VCB và TCB cũng lùi hơn 15%. Cùng với đó, khối lượng giao dịch cũng sụt giảm đáng kể chứng tỏ dòng tiền đang khá thận trọng cho nhóm “cổ phiếu vua”.

Đáng chú ý, một số mã cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn này dù có tin tốt như bán công ty tài chính thu về khoản lợi nhuận lớn, chuẩn bị chia cổ tức khủng nhưng thị giá cổ phiếu lại không thể bứt phá như SHB, MSB.

CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định: Nhóm ngân hàng đã không còn những yếu tố thuận lợi để hỗ trợ thị giá như 6 tháng đầu năm. Do dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài làm gia tăng nguy cơ nợ xấu, yêu cầu các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng tới những dự báo về lợi nhuận. Cùng với đó là yêu cầu từ phía cơ quan quản lý về giảm lãi suất sẽ khiến NIM (biên độ lãi ròng) thu hẹp. Có những ngân hàng mức giảm lãi suất lên tới 2,5% thì NIM sẽ rất thấp, đồng nghĩa lợi nhuận giảm mạnh.

Không chỉ vậy, một số ngân hàng đã, đang và sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn dẫn tới áp lực bán do cung lớn trong khi cầu suy giảm.

Đi tìm nguyên nhân cho đà giảm sâu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ với báo chí, có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, “khi thị trường lên, ngành nào lên cao quá thì khi thị trường quay đầu phải xuống nhanh hơn những nhóm ngành khác”.

Thứ hai, cổ phiếu nào có P/E tăng nhiều quá thì khi giảm sẽ giảm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng so với quy mô vốn, EPS… thì đang có độ chênh lệch giữa P/B và giá thị trường cao nên khi thị trường giảm thì có nhiều dư địa giảm.

Thứ ba, sau khi các nhà đầu tư lớn đã “kiếm lời” từ cổ phiếu ngân hàng đủ rồi thì họ sẽ tìm qua dòng cổ phiếu khác. Thế nhưng, dòng cổ phiếu thay thế phải đủ lớn như ngân hàng và phải có câu chuyện. Thời gian qua, câu chuyện ngành ngân hàng không còn đủ lớn để nhà đầu tư lớn có thể đẩy giá nữa.

Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, thông tin về các ngân hàng phải chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn ngày càng nhiều. Thêm nữa, rủi ro nợ xấu của ngân hàng đang tăng mạnh dù trên sổ sách các ngân hàng đang thể hiện lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn khả năng giảm lợi nhuận rất nhiều trong việc hạch toán chính thức.

Ba yếu tố này làm cho câu chuyện ngành ngân hàng không còn hấp dẫn nữa, nên các nhà đầu tư lớn phải chuyển qua dòng cổ phiếu khác, làm giá cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh hơn các nhóm ngành khác.

Trong Báo cáo chiến lược tháng 08/2021 của VDSC, nhóm chuyên gia cũng cho rằng đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng như 6 tháng đầu năm 2021 sẽ khó lặp lại do nền cao của cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tăng trưởng của nhóm này sẽ chậm lại trong quý 3/2021.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…