NIC phối hợp chương trình đào tạo xây dựng nền tảng kỹ sư số cho công nghiệp tương lai
Ngày 21/7, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Công ty Siemens EDA và Công ty Công nghệ Vietbay tổ chức Lễ bế giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch và hệ thống điện tử, đánh dấu hoàn thành khóa đào tạo thí điểm đầu tiên sử dụng phần mềm thiết kế và xác minh vi mạch (IC)/ hệ thống điện tử (PCB) trong giảng dạy thiết kế điện tử bán dẫn cho các trường đại học tại Việt Nam.
Theo ban tổ chức, khóa đào tạo kéo dài 21 ngày, thu hút sự tham gia của hơn 37 giảng viên, kỹ sư và nghiên cứu viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên cả nước. Chương trình nhằm trang bị toàn diện kiến thức và kỹ năng thực tiễn về thiết kế vi mạch tích hợp (IC) và mạch in (PCB) thông qua các bộ công cụ EDA hàng đầu như Tanner, Calibre, Questa, HyperLynx, Valor và Xpedition. Học viên được hướng dẫn từng bước một quy trình thiết kế, thực hành trực tiếp và giải đáp chuyên sâu bởi các chuyên gia Siemens EDA cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.
Ban Tổ chức đã trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho các học viên đã tham gia chương trình đào tạo. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong học tập và làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch hiện đại. Việc trao chứng nhận không chỉ ghi nhận thành tích học tập của học viên mà còn góp phần chuẩn hóa trình độ chuyên môn, mở ra cơ hội ứng dụng và chuyển giao công nghệ thiết kế điện tử trong các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và giới thiệu chương trình học bổng INTENSE" do NIC tổ chức.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC - chia sẻ: "Chương trình không chỉ nâng cao năng lực giảng dạy mà còn tạo cầu nối bền chặt giữa Siemens và các cơ sở đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam." bà Đàm Thị Hồng Lan - Giám đốc Công ty Công nghệ Vietbay - Nhà phân phối uỷ quyền của công ty Siemens EDA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi tự hào đồng hành cùng NIC trong sứ mệnh chuyển giao công nghệ EDA tiên tiến và cam kết tiếp tục hỗ trợ sâu rộng hơn nữa trong các dự án sắp tới".
Thành công của lễ bế giảng mở ra tiền đề cho chuỗi chương trình hợp tác đào tạo tiếp theo, với kế hoạch tổ chức các khóa chuyên sâu về thiết kế vi mạch, kiểm thử và sản xuất, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Lễ bế giảng nằm trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và giới thiệu chương trình học bổng INTENSE" do NIC tổ chức. Hội thảo đã quy tụ đông đảo đại biểu từ các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, cùng chia sẻ các định hướng chiến lược, kinh nghiệm triển khai đào tạo, và cơ hội hợp tác đào tạo - nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn. Chương trình thể hiện cách tiếp cận toàn diện và chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực kỹ sư số, từ đào tạo thực tiễn đến kết nối học thuật - doanh nghiệp. Đây là bước đi cụ thể nhằm củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu.
Học bổng INTENSE là sáng kiến học thuật trọng điểm của Bộ Giáo dục Đài Loan (MOE) nhằm thu hút học sinh/sinh viên quốc tế tài năng đến học tập và làm việc tại Đài Loan trong các lĩnh vực trọng điểm bao gồm: STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), Tài chính, Bán dẫn.
Học bổng INTENSE không chỉ hỗ trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí, mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập và làm việc trực tiếp tại các tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Đài Loan như TSMC, UMC, MediaTek, ASE… Các ứng viên được lựa chọn sẽ theo học các chương trình chuyên sâu về thiết kế chip analog/digital, SoC, IC layout, packaging, MEMS và các công nghệ vi điện tử tiên tiến khác.
Sinh viên cũng sẽ có cơ hội học tập và nghiên cứu trong các phòng lab tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nhận được sự cố vấn từ đội ngũ giáo sư hàng đầu và các chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm đến từ Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) cùng các doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn của Đài Loan.

Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có Công văn số 2434/SGDĐT- VP về việc tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục để chủ động ứng phó với bão số 3.