Niềm vui trên những cánh đồng lúa - tôm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:46 PM 04/02/2021

Mô hình canh tác lúa tôm là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đây là mô hình thể hiện nhiều ưu thế phát triển, phù hợp với xu thế chung, nhất là rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Lợi ích lớn cho người nông dân

Hơn 45 năm qua (từ những năm 1970) mô hình tôm - lúa sơ khai đã được hình thành với việc người dân thu tôm giống tự nhiên (tôm bạc, tôm đất…) vào ruộng từ các con nước trong mùa khô khi việc sản xuất lúa không hiệu quả tại các vùng ven biển. Với việc biến đổi khí hậu, mô hình lúa tôm lại càng cho thấy khả năng thích ứng và đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến mô hình này ngày càng được bà con nông dân, các doanh nghiệp chú trọng phát triển.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc canh tác lúa tôm ở vùng ĐBSCL người nông dân sẽ biến được cái hạn chế (nước mặn) trở thành nguồn tài nguyên quý giá cải thiện đời sống cho chính người nông dân.

photo-1612429348258

Mô hình lúa tôm thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao

Anh Võ Minh Phong - kỹ sư nông nghiệp mảng organic hữu cơ (Tập đoàn Tân Long) cho biết: Con tôm và cây lúa là 2 đối tượng khác biệt nhưng có mối quan hệ tương hỗ khi cùng được nôi trồng trên một hệ sinh thái. Lúa được trồng trên vuông tôm để tôm lúa nương vào nhau, tốt lúa mà cũng lợi tôm. Phân và tạp chất của tôm tạo cho đất ruộng độ phì nhiêu nhất định để bổ sung dinh dưỡng giúp cây lúa sinh trưởng tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh mà không cần phân bón hóa học. Ngược lại, lúa sau thu hoạch sẽ còn lại gốc rạ và các gốc rạ này sinh ra vi khuẩn, trùng ốc làm mồi cho tôm ăn. Nền đáy ao lúc này đã được khoáng hóa, các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu, cắt mầm bệnh trong ao nuôi.

Trồng lúa trên nền đất tôm, người nông dân sẽ chủ động về cách xử lý nước mặn – nước ngọt. Đối với vụ lúa, nông dân trước khi gieo sạ phải khử mặn bằng cách ngăn nước mặn từ biển vào, bón vôi bung, xử lý độ pH đất cho phù hợp. Trong quá trình sinh trưởng nếu lúa có dấu hiệu sâu bệnh, người trồng sẽ xả nước ngập lúa, sau đó rút nước chứ không thực hiện các biện pháp bón xịt thuốc hóa chất.

photo-1612429350160

Hạt gạo từ lúa tôm là sản phẩm sạch, tiệm cận với các tiêu chí của sản phẩm hữu cơ

Canh tác lúa tôm được xem là phương thức canh tác cận hữu cơ, cho ra sản phẩm lúa sạch, không chứa phân bón hoặc hóa chất vô cơ – yếu tố bắt buộc khi canh tác lúa tôm theo phương pháp hữu cơ.

"Hạt gạo từ hạt lúa tôm khi ăn không khác gì so với hạt gạo được trồng trên nền đất thường khác. Song đây là lúa được canh tác theo phương thức sạch nên sản phẩm cũng là sản phẩm sạch, tiệm cận với các tiêu chí của sản phẩm hữu cơ", kỹ sư Phong cho biết thêm.

Niềm vui của bà con nông dân

Với gần 7ha ruộng lúa tôm được canh tác, anh Nguyễn Văn Đấu là một trong 70 hộ gia đình được Tập đoàn Tân Long ký hợp đồng bao tiêu lúa tôm. Không giấu nổi niềm vui, anh Đấu cho biết năm nay có cái Tết ấm no khi vụ mùa bội thu, người nông dân cũng không còn lo nơm nớp tụt giá như trước đây.

photo-1612429350944

Nông dân Nguyễn Văn Đấu đang cho thu hoạch lúa tôm về tập kết ở sân vườn nhà mình

"Ước tính sản lượng trung bình đạt được khoảng 6,6 tấn/ha, so với các vùng chuyên canh lúa 2-3 vụ/mùa thì luân canh lúa tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", anh Đấu chia sẻ.

Anh Đấu và nhiều nông dân ở đang rất phấn khởi, họ cảm ơn Tân Long về nhiều thứ. Khi ký hợp đồng với Tân Long, ngoài việc được bao tiêu giá cao, Tân Long còn hỗ trợ bà con nông dân bao bì đóng gói, phương tiện vận chuyển, công đoạn bốc xếp. Như trước đây, dù có kinh nghiệm canh tác lúa tôm lâu đời nhưng để có sản phẩm tốt nhất, đạt hiệu quả cao và được chứng nhận mang nhãn hiệu hữu cơ của các tổ chức như: USDA, EU, JAS.. thì chỉ khi hợp tác với Tân Long, người nông dân như ông mới làm được. Và quan trọng việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và gia đình của họ.

Theo kỹ sư Võ Minh Phong, khi tham gia hợp tác với Tập đoàn Tân Long, người nông dân phải tuyệt đối tuân thủ những quy định, quy trình nghiêm ngặt được đưa ra, các kỹ sư của nhà máy cũng bám đồng, hỗ trợ cùng nông dân từ lúc lựa cây giống, xử lý nguồn nước và thường xuyên tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật nuôi trồng lúa tôm để đạt hiệu quả cao.

Quy trình từ khi chọn đất, nước, giống và phân bón (phân bón gốc, phân bón lá) phải được tổ chức hữu cơ của thế giới công nhận. Sau khi đã kiểm tra nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo các yếu tố được trồng cây lúa hữu cơ thì người trồng phải liên hệ với tổ chức chứng nhận hữu cơ của thế giới để khai báo giống, diện tích canh tác.

"Trong quá trình gieo trồng, phải làm các đơn đăng ký đánh giá và kế hoạch hệ thống hữu cơ nhằm khai báo các hoạt động gieo trồng trên cánh đồng như: làm việc với người nông dân, gieo trồng, giống,… Sau đó tổ chức chứng nhận hữu cơ của thế giới sẽ đến địa điểm thực tế để khảo sát, phỏng vấn và lấy mẫu gửi về Hà Lan phân tích. Nếu không có bất kỳ lỗi nào về mặt lý thuyết thì tổ chức chứng nhận hữu cơ của thế giới sẽ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn đã đăng ký", anh Phong nhấn mạnh.

photo-1612429351862

Niềm vui của người nông dân khi thu hoạch lúa tôm

Có thể nói, với điều kiện địa lý như ở ĐBSCL, lúa tôm cho thấy là mô hình sản xuất thuận thiên, bền vững và có triển vọng trong giai đoạn tới. Để nâng cao hiệu quả mô hình này, ngoài việc thực tốt các biện pháp né hạn- mặn để ăn chắc vụ lúa thì cần tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản tùy vào điều kiện của từng địa phương.

Theo ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc mảng gạo Tập đoàn Tân Long: Điều quan trọng nhất là việc định hướng để người nông dân tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Gạo lúa tôm đang trở thành câu chuyện được nhắc đến nhiều cả về lợi ích và giá trị của nó mang lại cho người nông dân, người tiêu dùng và cả môi trường. Nhưng nó cũng gắn liên với những thách thức, cơ hội và là sứ mệnh của những doanh nghiệp lớn như Tân Long trong việc định hướng, đồng hành cùng bà con nông dân làm ra những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng được những tiêu chí khắt khe khi vươn mình ra biển lớn.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.