Ninh Bình: Thẩm phán Phạm Thế Anh thụ lý giải quyết vụ án có trái pháp luật?
Bà Phùng Thị Bé sinh năm 1955, trú tại khối 4, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, (Ninh Bình) - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự “Tranh chấp đòi lại tài sản” mà nguyên đơn là chị Đào Thị Thanh và bị đơn là vợ chồng ông Trịnh Hải Vân và bà Phạm Thị Trang, đã được TAND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thụ lý ngày 30/3/2021. Bà Bé có đơn tố cáo Thẩm phán Phạm Thế Anh - Phó Chánh án TAND huyện Kim Sơn có những vi phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án dân sự này, tại sao?
Năm 1992, vợ chồng bà Phùng Thị Bé và ông Trần Đức Hậu được Nhà nước bán thanh lý một căn nhà cấp 4 gắn liền với quyền sử dụng 228m2 đất tại địa chỉ Khối 4, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Đến năm 2002, con trai bà là anh Trần Mạnh Hà xây dựng gia đình với chị Đào Thị Thanh rồi về ở chung tại nhà đất nêu trên. Do nhà ở chật chội, năm 2012, vợ chồng bà Bé đã phá nhà cũ để xây nhà mới. Làm nhà xong, đến tháng 12/2017, chồng bà qua đời. Tháng 6/2019, vợ chồng con trai bà Bé ly hôn.
Để trang trải nợ nần, cuối năm 2019, bà Bé quyết định bán nhà và chuyển nhượng một phần nhà, đất có diện tích 131m2 của mình cho vợ chồng bà Phạm Thị Trang ở Khối 2, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn. Đến tháng 3/2021, sau gần 4 năm, chị Đào Thị Thanh ly hôn chồng (con trai bà Bé) và làm đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Kim Sơn buộc vợ chồng ông bà Trịnh Hải Vân, Phạm Thị Trang (người mua nhà đất của bà Bé) phải trả lại 131m2 nhà, đất nằm ở thửa số 24, tờ bản đồ số 30 tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn.
Khởi kiện vụ án, chị Đào Thị Thanh (nguyên đơn) chưa có đủ điều kiện khởi kiện, không cung cấp được bất kỳ chứng cứ pháp lý nào để chứng minh tài sản chị đang đòi là của mình, ngoài bản photocopy Biên bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn (không có công chứng, chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền); các đương sự chưa làm thủ tục hòa giải tại UBND thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn…, nhưng Thẩm phán Phạm Thế Anh - Phó Chánh án TAND huyện Kim Sơn vẫn tiến hành thụ lý vụ án, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với nhà, đất mà bà Thanh đang yêu cầu vợ chồng bà Trang trả lại. Bên cạnh đó, Thẩm phán Phạm Thế Anh không mời vợ chồng bà Trang đến Tòa để viết bản tự khai, lấy lời khai, không đưa bà Bé vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
Với những hành vi nói trên, Thẩm phán Phạm Thế Anh đã vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 192 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số điều quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 192 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202, Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện".
Thực tế nhà đất 131m2 nằm ở thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30 thị trấn Bình Minh đang thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ chồng bà Phùng Thị Bé. Theo pháp luật, muốn đòi vợ chồng bà Trang, ông Vân trả lại nhà đất đã mua của bà Bé, chị Thanh phải được xác định là chủ sở hữu, sử dụng đối với nhà đất đó. Muốn vậy, bà Bé cùng các đồng thừa kế theo pháp luật (thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bà Bé) và chị Thanh (nguyên đơn) phải thực hiện đầy đủ 6 bước sau đây:
Bước 1, bà Bé cùng các đồng thừa kế phải lập và làm thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của vợ chồng bà Bé.
Bước 2, tổ chức hành nghề công chứng niêm yết Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của chồng bà Bé tại UBND thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn.
Bước 3, hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng, công chứng lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của chồng bà Bé.
Bước 4, bà Bé cùng các đồng thừa kế làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích 251,1m2, thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30 thị trấn Bình Minh theo pháp luật.
Bước 5, bà Bé cùng các đồng thừa kế lập làm thủ tục tách ra 131m2 từ tổng số 251,1m2 đất của mình để tiến hành bước 6, bà Bé cùng các đồng thừa kế và chị Thanh cùng ký kết Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Trang nằm trên diện tích 131m2 thuộc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30 thị trấn Bình Minh nói trên trước mặt công chứng viên. Công chứng viên công chứng vào Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên và đó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc mua bán nhà đất này.
Vậy lý do gì mà Thẩm phán Phạm Thế Anh lại chấp thuận yêu cầu khởi kiện của chị Thanh, lại đi thụ lý vụ án trong khi chị Thanh không có quyền khởi kiện, không phải nguyên đơn của vụ án? Vì lẽ đó, ngày 18/5/2021, bà Phùng Thị Bé đã làm Đơn tố cáo Thẩm phán Phạm Thế Anh - Phó Chánh án TAND huyện Kim Sơn và đề nghị các cơ quan chức năng buộc Thẩm phán Phạm Thế Anh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp đòi tài sản". Hơn nửa tháng sau, kể từ thời điểm nhận được đơn của bà Bé, TAND huyện Kim Sơn mới gửi Giấy Triệu tập số 559/2021/GTT-TA triệu tập bà Bé đúng 9h30 ngày 14/6/2021 có mặt tại trụ sở TAND huyện Kim Sơn để nhận thông báo về việc thụ lý Đơn tố cáo.
Trong Thông báo về việc thụ lý đơn tố cáo số 01/TB-TA ngày 10/6/2021 có nội dung: "Do TAND tỉnh Ninh Bình chuyển về theo phiếu chuyển đơn số 632/PC-TA ngày 02/6/2021 để giải quyết theo thẩm quyền, đơn tố cáo đã được Chánh án thụ lý giải quyết kể từ ngày 10/6/2021, thời hạn giải quyết là 2 tháng".
Việc TAND tỉnh Ninh Bình chuyển đơn cho TAND huyện Kim Sơn giải quyết và Chánh án TAND huyện Kim Sơn - Nguyễn Hữu Mạnh thụ lý, giải quyết đơn tố cáo đối với Thẩm phán Phạm Thế Anh - Phó Chánh án TAND huyện Kim Sơn là không đúng với quy định tại đoạn 2, khoản 1, Điều 512 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: "Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo - Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết".
Mặt khác, tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 217 - Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định: "1- Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: g) Các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý". Tuy nhiên, thay vì ra quyết định đình chỉ vụ án, Thẩm phán Phạm Thế Anh đã lấy lý do "Cần đợi kết quả giải quyết tin tố giác tội phạm có liên quan đến việc giải quyết vụ án của cơ quan điều tra mới giải quyết được vụ án" để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhằm né việc đã thụ lý trái quy định. Lý do Thẩm phán Phạm Thế Anh đưa ra liên quan đến vụ án dân sự này mới chỉ là tin tố giác tội phạm, chưa phải là vụ án hình sự đã được cơ quan Công an Kim Sơn tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo trước đó.
Vì vậy, bà Phùng Thị Bé tiếp tục làm Đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Hủy quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 09/2021/QĐST-DS ngày 14/6/2021 của TAND huyện Kim Sơn; Buộc TAND huyện Kim Sơn ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp đòi lại tài sản" đã được TAND huyện Kim Sơn thụ lý số 14/2021/TLST-DS ngày 30/3/2021.
Được biết, TAND huyện Kim Sơn đã có Văn bản số 02/2021/TAKS-CĐ ngày 17/6/2021, chuyển đơn tố cáo Thẩm phán - Phó Chánh án Phạm Thế Anh của bà Phùng Thị Bé đến TAND tỉnh Ninh Bình để giải quyết theo quy định của pháp luật. Hy vọng, TAND tỉnh Ninh Bình sẽ xem xét làm rõ việc thụ lý giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp đòi lại tài sản" tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để có được những phán quyết đúng đắn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc trong số sau.
Hoàng AnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.