Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn

Địa phương
12:28 PM 07/10/2022

Thời gian qua, vùng chè xã Đông Sơn (TP. Tam Điệp, Ninh Bình) đang có sự hồi sinh và phát triển nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng sự chăm sóc của người dân nơi đây. Sự hồi sinh, phát triển đó như bền vững hơn khi HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp được thành lập và đi vào hoạt động với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ, tăng giá trị cho vùng trồng chè Đông Sơn.

Từ lâu, thành phố Tam Điệp được biết đến là vùng đất có những yếu tố đặc thù về thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu thích hợp cho việc phát triển các vùng sản xuất tập trung. Do đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một số cây trồng chủ lực của thành phố Tam Điệp đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn - Ảnh 1.

Vùng trồng chè xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp đang từng bước hồi sinh và phát triển

Kể từ năm 2016 đến nay, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, thành phố Tam Điệp đã đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất lớn theo hướng liên kết, hình thành các chuỗi giá trị.

Theo đó, nhiều HTX, các tổ hợp tác được hình thành, các hộ dân từng bước chuyển đổi và thực hiện tốt quy trình canh tác đảm bảo đồng giống, đồng trà, thuận lợi cho việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt đưa cơ giới vào sản xuất, từ đó gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường.

Điển hình như HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp đang từng bước góp phần "thức tỉnh" vùng chè xã Đông Sơn, mang lại lợi ích tích cực về kinh tế, việc làm và môi trường sinh thái nơi đây.

Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn - Ảnh 2.

HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp được đầu tư máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất

Được biết, cách đây vài chục năm, vào thập niên 90, ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp từng có Nông trường chè Tam Điệp với sản phẩm chè mang hương vị đặc trưng, thơm ngon có tiếng. Tuy nhiên, do cách thức tổ chức sản xuất kém hiệu quả, Nông trường giải thể, cây chè bị mai một dần. Những năm gần đây, HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp đang nỗ lực phục hồi lại vùng chè kết hợp với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè nơi đây.

Ban đầu HTX chỉ lựa chọn 30 ha của những hộ có đủ điều kiện, cam kết làm theo quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà HTX đưa ra để liên kết, sản xuất thu mua sản phẩm. HTX hỗ trợ bà con về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con với giá 15 nghìn đồng/kg búp tươi.

Tại đây cây chè được trồng từ thời Pháp thuộc với lịch sử tồn tại và gắn bó trên 100 năm, trải qua nhiều biến cố lịch sử, xã hội đã có nhiều đổi thay nhưng đến nay cây chè vẫn còn tồn tại, điều này cho thấy cây chè không chỉ có duyên với con người và vùng đất nơi đây, mà còn hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất này.

Trong quá trình sản xuất, HTX sẽ đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, sau đó mới đến mùi vị, phẩm chất chè. Để có được mẻ chè thơm ngon đòi hỏi người làm chè nắm chắc các công đoạn như chè xanh phải được hái vào ngày không mưa theo tiêu chuẩn "1 tôm 2 lá (1 búp 2 lá non)".

Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn - Ảnh 3.

Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn - Ảnh 4.

Sản phẩm chè An Nguyên của HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận sản phẩm OCOP

Anh Tống Duy Hiển phụ trách HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp, cho biết: "Khi bắt đầu quyết định thành lập Hợp tác xã hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp và triển khai mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở, vật chất chưa có, thiếu sự ủng hộ của người dân". Để Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, anh Hiển cùng vợ là chị Phạm Thị Hồng Quý và một số thành viên cốt cán ban đầu của Hợp tác xã đã đến từng gia đình để vận động người dân tham gia, chung sức gây dựng lại những cánh đồi chè ở Đông Sơn. Mưa dầm thấm lâu, sự nhiệt huyết của các thành viên HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Nhờ chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm hệ thống máy móc chế biến hiện đại và kỹ thuật diệt men, sấy khô, sao lăn tạo hình… đã giúp HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp tạo ra được sản phẩm chè xanh, sạch, chất lượng tốt, an toàn với người tiêu dùng, điều này "tiếp sức" cho sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã có cơ hội tạo lập thương hiệu đối với thị trường chè trong nước cũng như nước ngoài. 

Anh Hiển cho biết thêm, để bảo vệ cho nhãn hiệu chè An Nguyên, Hợp tác xã đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "chè An Nguyên". Sản phẩm chè An Nguyên (hộp gỗ 500g) cũng đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP năm 2021 theo Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm". Việc này vừa khẳng định thương hiệu chè sạch An Nguyên, vừa giúp bảo vệ nhãn hiệu, tránh tình trạng làm giả, làm nhái các sản phẩm chè An Nguyên. Đó cũng là bước đi có tính chất pháp lý nhằm củng cố thương hiệu, xây dựng giá trị, niềm tin đối với người tiêu dùng.

Ninh Bình: Từng bước hồi sinh và phát triển vùng chè xã Đông Sơn - Ảnh 5.

Sản phẩm chè xanh mang thương hiệu An Nguyên được giới thiệu tại Hội chợ tỉnh Ninh Bình

Hiện nay, sản phẩm chè xanh mang thương hiệu An Nguyên của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định… Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thời gian tới, Hợp tác xã dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng chè Hợp tác xã đã triển khai mô hình trồng chè cành xen canh với cây đào.

Tin rằng, với hướng đi đúng đắn, Hợp tác xã hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp sẽ góp phần hồi sinh lại vùng chè Đông Sơn, mở ra hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế từ cây chè, tạo công ăn việc làm và thu nhập  cho người dân nơi đây.

Vy Linh - Tri Thức
Ý kiến của bạn
Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu

Đan Mạch được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư toàn cầu. Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu.