Ninh Thuận: Rộn ràng lễ hội Nho - Vang và vinh danh gốm Bàu Trúc
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 diễn ra từ ngày 13/6/2023 đến hết ngày 18/6/2023 thành công hết sức tốt đẹp.
Gốm Chăm Bàu trúc - Niềm tự hào của người dân Ninh Thuận
Đến dự và chia vui cùng nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư; nhiều vị khách quý quốc tế; đại diện nhiều tỉnh, thành, cùng hàng chục ngàn người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ niềm vui và niềm tự hào trong sự kiện đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới; đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Phó Thủ tướng khẳng định, Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản.
Làng gốm Bàu Trúc nằm ở trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Đây là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại đến tận bây giờ. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.
Vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc. Chủ tịch nước cho rằng những sản phẩm của làng nghề cũng là cách để gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa Chăm. Ông Võ Văn Thưởng đề nghị cấp Ủy và chính quyền địa phương cùng người dân làng nghề tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản nghệ thuật làm gốm. Việc này góp phần để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh, là động lực quan trọng để địa phương ngày càng phát triển.
Tương truyền, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Ban đầu, nghề làm gốm chủ yếu do phụ nữ Chăm đảm nhận, đến nay đàn ông Chăm cũng tham gia vào các công đoạn làm gốm.
Nét độc đáo của gốm Bàu Trúc trước hết ở nguyên liệu làm gốm hoàn toàn bằng đất sét mịn tự nhiên chỉ có ở triền sông Quao chảy quanh làng. Đất sét được trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ bí truyền của làng nghề.
Điều đặc biệt là các nghệ nhân làng Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay trong bất cứ công đoạn nào. Do đó, nghệ nhân thường đi vòng quanh trong quá trình tạo hình cho sản phẩm. Người thợ gốm đi giật lùi, tay trong thì ép, tay ngoài xo,a biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm. Cách nung gốm vẫn duy trì cách truyền thống là nung lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…
Gốm Chăm Bàu Trúc truyền thống có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám, đấy là những màu đặc trưng kết tinh từ đất, nước qua lửa nung. Ngoài ra người thợ gốm vẫn có thể tạo màu cho sản phẩm bằng các loại vỏ cây và tuyệt đối không dùng men màu công nghiệp.
Gốm Chăm Bàu Trúc có mẫu mã vô cùng đa dạng từ các loại bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,…
Đến làng Bàu Trúc, du khách không chỉ được tận mắt tìm hiểu cách làm gốm độc đáo mà còn được chiêm ngưỡng những tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần của tôn giáo Balamon như Brahma, Vinus, Shiva… hay tượng nữ thần Apsara độc đáo. Kích thước từ nhỏ như ngón tay, tới các phù điêu lớn để trang trí trên các công trình kiến trúc ngoài trời. Mặc dù được chế tác thủ công, nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc.
Ngày 20/6/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã chứng nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp đó, ngày 29/11/2022, UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Để mãi lưu truyền bản sắc độc đáo của gốm Bàu Trúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này. Theo đó, tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm như hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng. Tổ chức định kỳ Liên hoan Nghệ thuật làm gốm của người Chăm nhân dịp lễ hội Katé...
Nho Ninh Thuận - thương hiệu của vùng đất nắng gió
Cây nho là một trong những loại cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Nhằm tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học... Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014.
Từ đó, trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm một lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.
Phát biểu tại Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Để khai thác những tiềm năng, tận dụng cơ hội, chuyển hóa được những thách thức đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, tỉnh cần tạo những đột phá về quy hoạch, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, năng lượng tái tạo... Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận; thu hút doanh nghiệp, khai mở tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển. Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Ninh Thuận cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, liên kết công nghiệp, dịch vụ, đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chủ động thích ứng với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Để gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng các mô hình trồng nho an toàn, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất và bảo quản sản phẩm.
Ngoài việc được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nho Ninh Thuận còn được dán tem nhãn điện tử thông minh để thuận tiện truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo lòng tin từ người tiêu dùng. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 36 sản phẩm nho ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ nho đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết: Tỉnh cũng đã quy hoạch, khảo sát đánh giá tiềm năng các khu vực đất trồng nho phù hợp với tổng số diện tích có khả năng trồng trên 7.900 ha; trong đó có khoảng 4.000 ha đất chủ động nước tưới; đặc biệt đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn.
Tỉnh giao cơ quan chuyên môn tổng hợp, nghiên cứu để đưa ra những giải pháp cụ thể trong tổ chức sản xuất cây nho theo hướng bền vững, mở rộng quy mô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để đem lại giá trị kinh tế cao cho cây nho với quy mô hơn 2.550 ha.
Ninh Thuận, vùng đất đầy nắng, gió nhưng là điểm hội tụ văn hóa truyền thống của người Chăm và Raglai, Chu Ru... vùng đất với những vườn nho đẹp như trong phim ảnh, những sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc độc đáo khó tìm. Hãy đến để cảm nhận sức hút khó cưỡng từ vùng đất văn hóa này!
Phương Loan“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.