Nợ công tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, trong tầm kiểm soát

Đầu tư và Tiếp thị
02:09 PM 02/11/2021

Nợ công giai đoạn 2022 - 2024 dự kiến vượt mốc 4 triệu tỷ đồng và đạt gần 5 triệu tỷ đồng vào năm 2024. Theo các chuyên gia, nợ công tuy tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong dự tính và còn cách xa ngưỡng an toàn.

Nợ công sẽ đạt gần 5 triệu tỷ đồng vào năm 2024

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội. Dự toán thu ngân sách năm 2021 là hơn 1,34 triệu tỷ đồng; Giảm lần lượt 10,2% và 6,7% so với 2019, 2020.

Nợ công tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Nợ công sẽ đạt gần 5 triệu tỷ đồng vào năm 2024. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự kiến, năm 2021, trong khoản thu NSNN ước đạt 1,36 triệu tỷ đồng, khoản thu nội địa - chiếm đến 84,4% nguồn thu ngân sách, sẽ giảm 12,2% so với thực hiện năm 2020, ước tính chỉ đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, ước tính đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN.

Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN là 1,41 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021.

Mức dự toán nêu trên đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân lực, doanh thu sụt giảm mạnh, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.

Về số chi năm 2022, dự kiến dự toán chi NSNN là hơn 1,784 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, mức bội chi là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu NSNN.

Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo thêm nhiều khó khăn, thách thức đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo áp lực lớn đối với thu, chi và cân đối NSNN của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024.

Tổng thu ngân sách 3 năm 2022 - 2024 dự kiến 4,65 triệu tỷ đồng, còn chi ngân sách là 5,8 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2022 - 2024.

Bộ Tài chính thông tin, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2022 - 2024 khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43 - 44% GDP.

Đáng chú ý, tổng mức vay của NSNN giai đoạn 2022 - 2024 sẽ đều trên 500 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó năm 2024 dự kiến vay nhiều nhất với hơn 646 nghìn tỷ đồng.

Nợ công giai đoạn 2021 - 2024 được dự kiến lần lượt là: 3,708 triệu tỷ đồng; 4,073 triệu tỷ đồng; 4,475 triệu tỷ đồng; 4,881 triệu tỷ đồng. Song nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách vẫn dao động ở mức 20 - 22% (trừ năm 2021 ước tính 24,8% thu ngân sách).

Có nên nới trần nợ công? 

Vấn đề Việt Nam có nên “nới trần nợ công” để tạo “dư địa” tài chính tạo dư địa cho hồi phục và phát triển kinh tế hay không nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia.

Nợ công tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, trong tầm kiểm soát - Ảnh 2.

5 năm tới, đặt mục tiêu trần nợ công không quá 60% GDP.

Theo các chuyên gia, đối với nền kinh tế Việt Nam, vấn đề nợ công cũng đã trở thành vấn đề thời sự trong giai đoạn 2011-2016, khi nợ công liên tục tăng, từ 50% GDP năm 2011 đã tiến gần về ngưỡng 65% GDP (năm 2016 dư nợ công chiếm 63,7% GDP), trong khi đó chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư công chưa cao, áp lực trả nợ gia tăng (đến cuối năm 2015, nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ đạt 50,3% vượt trần 0,3%, nghĩa vụ trả nợ lãi trực tiếp chiếm 8% ngân sách, nếu tính cả trả nợ gốc thì lên đến gần 26% ngân sách).

Còn trong giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát theo hướng bền vững, với mức nợ công chiếm khoảng 55,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, thâm hụt ngân sách ở mức bình quân khoảng 3,6% GDP, tất cả đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là 65%, 54% và 3,9%.

Các báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ tháng 6/2021 đã có những diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 đã giảm sâu ở mức 6,17%, nếu tính cả 9 tháng đầu năm 2021 thì tăng trưởng đạt mức 1,41%.

Dự báo gần đây của các chuyên gia trong và ngoài nước về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 hầu hết đều ở mức khoảng 3%. Điều quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, không chỉ là cần cải thiện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh, cải thiện an sinh xã hội.

Có một số lý do đáng lưu ý được các chuyên gia đưa ra. Thứ nhất, Việt Nam cần nới trần nợ công để tạo dư địa cần thiết để huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước phục vụ việc hồi phục và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính.

Thứ hai, Việt Nam được đánh giá cao về sự ổn định (dù tăng trưởng có suy giảm), đặc biệt thành tựu kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài được đánh giá ở mức khá an toàn, trong khi dư địa về tổng cầu và tổng cung còn khá nhiều tiềm năng. Do vậy, việc nới trần nợ công có kiểm soát sẽ tạo động lực để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế. Tiếp đó, các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng cách chủ động gia tăng tổng cầu, để khôi phục và phát triển kinh tế là công cụ khá phổ biến mà các nước đã thực hiện, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng nợ công như là công cụ cần thiết nhằm “bơm thêm” nguồn lực tài chính cho phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề là thời điểm, liều lượng và ảnh hưởng có mức độ khác nhau.

“Nợ công Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn”

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã tăng mức vay nợ công để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước cho các chi tiêu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo kịch bản cơ sở được đưa ra vào cuối tháng 9/2021, bội chi ngân sách của Việt Nam dự kiến tăng từ 4,9% GDP năm 2020 lên 6% năm 2021, dẫn đến nợ công năm 2021 tăng thêm khoảng 3% GDP. 

Nợ công tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, trong tầm kiểm soát - Ảnh 3.

Tuy nợ công tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng, thực tế, nợ công vẫn còn cách ngưỡng an toàn khoảng 16% GDP, nếu so với ngưỡng trước năm 2020 là 65% thì còn gần 10% GDP. Do vậy, chưa cần nâng mức trần nợ công.

Trong giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam được kiểm soát theo hướng bền vững hơn, tất cả đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là nợ công 65% GDP, nợ Chính phủ là 54% GDP và thâm hụt ngân sách nhà nước là 3,9% GDP, đồng thời, nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều.

Hiện tại, trái phiếu Chính phủ phát hành nội địa đã chiếm đến 14% thu ngân sách nhà nước, tức chiếm đến 51,3% tổng số tiền trả nợ. Đồng thời, Bộ Tài chính cố gắng tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước về mức 24,8%. 

Song, các chuyên gia cũng cho rằng cần thận trọng khi quyết định nới trần nợ công bởi phải xác định rõ nguồn vay từ đâu, cũng như tính toán kỹ hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn, nếu không sẽ để lại gánh nặng nợ rất lớn cho nền kinh tế trong tương lai.

Do đó, việc tăng nợ công nếu có danh mục nợ tốt, chi phí nợ hợp lý, khả năng hấp thụ nợ của nền kinh tế tốt, hiệu quả sử dụng nợ vay cao, khả năng trả nợ được đảm bảo thì không có gì lo ngại.

Điều quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hỗ trợ các trong nền kinh tế hoặc thông qua các dự án, chương trình đầu tư công, các công trình phúc lợi xã hội mới là nhân tố quyết định đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì mức bền vững của nợ công.

Đây chính là công việc cần được các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm để phát huy hiệu quả của các khoản hỗ trợ, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa kích cầu sản xuất và tiêu dùng cũng cần được quan tâm.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.