Nỗ lực của những người "lính truyền tải” mang điện ra miền Bắc
Chủ trương chung của EVNNPT và Công đoàn ngành, cố gắng quan tâm tạo điều kiện và dành các nguồn kinh phí tốt nhất có thể cho người lao động, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho công nhân trong điều kiện nắng nóng gay gắt, bởi tính chất công việc áp lực cao.
Thời gian gần đây, tình trạng mất điện luân phiên diễn ra liên tục, để giảm áp lực cho ngành điện những người lính truyền tải tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa đang từng ngày, từng giờ căng mình dưới cái nắng trên 40 độ C để đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV Bắc - Nam truyền tải sản lượng điện cao từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc nhằm bổ sung lượng điện thiếu hụt tại khu vực này.
Theo báo cáo của Truyền tải điện Hà Tĩnh (Công ty Truyền tải điện 1), ngay sau đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023 xuất hiện, điện tải trên các đường dây 500 kV khu vực Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đường dây 571 Hà Tĩnh - 571 Vũng Áng tăng lên trên 80% định mức.
Trước đây, công suất truyền tải cao trên tuyến đường dây 500 kV Bắc Nam chỉ từ 2.000 - 2.200 MW nhưng thời gian gần đây đã thường xuyên tải cao ở mức 2.500 - 2.600 MW, thậm chí có thời điểm tải cao lên tới 2.800 MW, mức tới hạn của hệ thống.
Hơn nữa, chế độ điện áp 500kV tại các nút của trạm biến áp (TBA) thường xuyên vượt ngưỡng, có thời điểm các ngăn lộ đường dây 220 kV Vinh - Hà Tĩnh 1, 2 luôn trong tình trạng vận hành thường xuyên đầy và quá tải.
Do luôn vận hành ở chế độ đầy tải và trong điều kiện thời tiết nắng nóng, một số khoảng cột tại các đường dây này có pha đất thấp phải cử người canh gác 24/24h. Sơ đồ kết lưới 500 kV khu vực Hà Tĩnh tương đối yếu nên lúc vận hành đầy tải, quá tải đã phát sinh nhiều khiếm khuyết.
Để đảm bảo truyền tải điện luôn được an toàn, ổn định ra miền Bắc, những người "lính truyền tải" làm việc không ngừng nghỉ giữa thời tiết nắng nóng như đổ lửa của miền Trung. Luôn ứng trực tại TBA, những cột điện cao thế để xử lý những khiếm khuyết khi mà nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C.
Anh Trần Đình Thành, Đội truyền tải điện Hồng Lĩnh, thuộc Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, mức tải trên tuyến đường dây luôn đạt gần 90% mức tới hạn, do vậy, đội phải thường xuyên kiểm tra, xác định các sự cố có thể xảy ra, với 100% quân số trải đều trên tuyến.
Cũng theo báo cáo của Truyền tải điện Hà Tĩnh thì đơn vị đang tập trung nhân lực, phương tiện để kiểm tra, theo dõi đặc biệt các chuỗi cách điện composite trên các đường dây 220-500kV, đặc biệt là trên đường dây 500kV Vũng Áng - rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng nhánh 1, nguy cơ gây mất an toàn cho đường dây 500kV do hư hỏng chuỗi cách điện là rất lớn.
Ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) cho biết, thời gian qua do nắng nóng, nhu cầu điện ở miền Bắc tăng cao, dẫn đến lưới truyền tải khu vực phía Bắc; trong đó đường dây 500kV truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc đã tới hạn, đặc biệt tuyến Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan mang tải đến 2.800 MW.
Do vậy, đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải từ Đèo Ngang đến miền Bắc an toàn là yêu cầu tiên quyết và nhiệm vụ trọng tâm của PTC1 hiện nay.
PTC1 đã tăng cường công tác quản lý, vận hành đặc biệt là lực lượng hỗ trợ, các phòng ban đơn vị, tổ, đội… điều động tất cả thiết bị, vật tư, để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, truyền tải liên tục.
Theo nhận định thì từ nay đến cuối tháng 8, tình hình cung ứng điện có thể vẫn căng thẳng, PTC1 xác định tiếp tục tăng cường, nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị như UAV để bay kiểm tra tất cả các tuyến đường dây, xác định các nguy cơ ảnh hưởng an toàn hành lang nhằm xử lý kịp thời.
Một trong những "điểm nút" khác trên lưới truyền tải khu vực miền Trung là khu vực Nghi Sơn - Thanh Hóa. Theo báo cáo của Truyền tải điện Thanh Hóa, từ đầu tháng 5/2023 đến nay nắng nóng liên tục xảy ra, tại khu vực này, nhiệt độ nhiều thời điểm thường xuyên trên 40 độ C, trên các đường dây 500 kV mạch 1, 2 do đơn vị quản lý mức mang tải hơn 1.500A.
Đường dây 275, 276 đấu nối nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 thường xuyên vận hành tải cao do giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và BOT Nghi Sơn 2, đường dây 220 kV Ninh Bình - Bỉm Sơn vận hành thường xuyên mang tải cao hơn 70%, có thời điểm đạt 91% tải.
Anh Nguyễn Sỹ Long, Trạm trưởng trạm biến áp (TBA) 220kV Nghi Sơn cho biết, thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng nhanh, một số thiết bị đã đưa vào vận hành trên 20 năm nên khiếm khuyết thường gặp phải là phát nhiệt cao.
Trước tình trạng này, anh em trong TBA đã chủ động xử lý hơn 20 điểm phát nhiệt, từ kiểm tra bằng mắt thường đến dùng máy soi phát nhiệt để xử lý sự cố. Đồng thời, huy động nhân lực 24/24h để kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý sự cố bất có thể xảy ra.
Với khối lượng công việc rất lớn trong khi lực lượng lao động mỏng, để kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết, Đội đã bố trí lực lượng túc trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, soi phát nhiệt, sử dụng UAV có cam nhiệt kiểm tra, theo dõi đặc biệt các đường dây tải cao, có nguy cơ sự cố.
Thời tiết nắng nóng như hiện nay, trước nguy cơ mất an toàn lưới điện sẽ là rất lớn. Vì vậy, việc nhanh chóng đầu tư xây dựng, hoàn thiện đoạn tuyến đường dây 500 kV mạch 3, đoạn từ Vũng Áng trở ra Bắc là vô cùng cần thiết, vừa tăng năng lực truyền tải điện cho miền Bắc, vừa góp phần đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Trong bối cảnh nắng nóng, người lao động phải liên tục "căng mình" trên tuyến để đảm bảo "dòng chảy điện" không ngừng, ban lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và công đoàn các công ty truyền tải điện đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động.
Cũng trong ngày 16 - 17/6 vừa qua, đoàn công tác của EVNNPT do Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Tuấn Tùng và Chủ tịch Công đoàn Trịnh Tuấn Sơn đã đến thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân lao động tại các Truyền tải điện: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Công đoàn Tổng công ty tập trung hướng đến các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động và giảm căng thẳng cho người lao động, nhất là đối với những cán bộ, công nhân quản lý, vận hành đường dây, trạm biến áp có đặc thù công việc.
Công đoàn Tổng công ty cũng đã yêu cầu công đoàn cơ sở các cấp tăng cường bám sát hiện trường, động viên kịp thời, hỗ trợ để có thể nâng cao chất lượng đời sống, điều kiện làm việc cho người lao động một cách hợp lý.
Hà LoanCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.