'Nỗ lực cuối cùng' của ông Lê Phước Vũ tại Hoa Sen trước khi xuất gia: Cởi áo giáp thép để mặc chiếc áo hoàn toàn mới!

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:48 AM 22/03/2022

Từ một nhà cung cấp, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ sẽ chuyển mình thành nhà phân phối hàng đầu và là đối tác của rất nhiều nhà cung cấp khác thông qua hệ thống Hoa Sen Home.

Cách đây 3 năm, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng gây chú ý khi tiết lộ đã giao hầu hết công việc cho cấp dưới để lên núi sống tĩnh tâm, mỗi tháng chỉ đến tập đoàn 2 lần, mỗi lần cũng chỉ 2 tiếng đồng hồ, hàng ngày thỉnh thoảng mới gọi cho Tổng giám đốc hay Phó Chủ tịch 1 cuộc điện thoại.

Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa được tổ chức ngày 21/3, ông Vũ cho biết, tình hình đã thay đổi khi thời gian gần đây, ông phải túc trực ở văn phòng cả tuần để họp với nhà cung cấp. Trong vài ngày tới, đích thân ông còn phải bay sang Trung Quốc để gặp đối tác.

Sở dĩ ông Vũ không còn sống tĩnh tâm ở trên núi, là do ông đang trong những năm tháng cuối cùng làm việc tại Hoa Sen. Ông Vũ đã quy y tam bảo hồi tháng 7/2020 và đến đầu năm ngoái, ông Vũ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hoa Sen vào năm 2026. Trong khoảng thời gian còn lại này, ông Vũ muốn dồn sức chuyển đổi Hoa Sen, từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất.

Để thực hiện điều này, Hoa Sen chuyển đổi Công ty TNHH MTV thuộc HSG thành CTCP Nhựa Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home.

Dự kiến, khi hai công ty trên đủ điều kiện theo quy định pháp luật, HĐQT sẽ tiếp tục trình ĐHĐCĐ vào các kỳ tiếp theo thông qua việc IPO và niêm yết hai công ty này trên thị trường chứng khoán.

Nói về triển vọng của Hoa Sen Home, ông Vũ tỏ ra hết sức lạc quan: "Bây giờ, người ta nói đến Hoa Sen là nói đến ống tôn Hoa Sen, ống thép Hoa Sen. Nhưng trong 5-10 năm tới, khi nói đến Hoa Sen người ta sẽ nhắc đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home. Nếu vận hạnh tốt thì hệ thống này có thể đạt doanh thu như hiện nay, xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD)."

Theo ông Vũ, Hoa Sen Home sẽ là bước ngoặt tạo ra giá trị cho cổ đông và nhân viên của Tập đoàn, bởi lẽ ngành sản xuất thép hiện nay chịu rất nhiều thiệt thòi. Muốn thành công ở mảng thép, phải đầu tư từ thượng nguồn, như Hoa Sen từng có ý định làm dự án Cà Ná quy mô 10 tỷ USD. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên đã quyết định rút khỏi dự án này vào năm 2020. Thay vào đó, Hoa Sen tập trung hơn vào việc phát triển mạng lưới phân phối và giờ đây đang sở hữu 600 cửa hàng trên cả nước.

"Hoa Sen sẽ không sản xuất nữa, những tài sản nào không cần thiết sẽ bán hết, không mua đất nữa, mọi thứ đều chuyển thành tiền mặt", ông Vũ tuyên bố. 

Nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ tại Hoa Sen trước khi xuất gia: Cởi áo giáp thép để mặc chiếc áo hoàn toàn mới! - Ảnh 1.

Thời điểm hiện tại, ông Vũ đang tập trung quản trị, đào tạo, xây dựng chính sách, công nghệ, tối ưu hóa hệ thống logistics và cung ứng choa Hoa Sen Home. Trước đây Hoa Sen chỉ có 3 mặt hàng tôn – thép - nhựa, còn bây giờ có đến hàng trăm mặt hàng và Hoa Sen sẽ tập trung 4-5 mặt hàng chính, có doanh thu cao (thép xây dựng, gạch, sơn, thiết bị vệ sinh,..). Từ vị trí nhà cung cấp, Hoa Sen sẽ trở thành đối tác của rất nhiều nhà cung cấp.

Ông Vũ cho rằng, nếu điều hành tốt, Hoa Sen Home sẽ gấp nhiều lần Hoa Sen hiện nay, "cởi áo giáp bằng thép để mặc áo mới"

Đại hội cổ đông Hoa Sen đã thông qua kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2021-2022 và lợi nhuận dao động 1.500-2.500 tỷ đồng, tùy thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào; tương ứng giảm 42-65% so với kết quả đạt được ở năm 2021. Theo ông Vũ, việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm nhằm giảm áp lực cho nhân viên.

Nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ tại Hoa Sen trước khi xuất gia: Cởi áo giáp thép để mặc chiếc áo hoàn toàn mới! - Ảnh 2.
Hà My
Ý kiến của bạn
Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.