Nỗ lực đưa đường sắt đô thị trở thành 'xương sống' giao thông Hà Nội
Hiện nay, đường sắt đô thị tại Hà Nội tuy mới đưa vào hoạt động nhưng đã có nhiều kết quả tích cực. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đường sắt đô thị đã từng bước thể hiện tính ưu Việt và chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng ở Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định tại Hội thảo khoa học "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, trong đó hệ thống ĐSĐT được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...
Hiệu quả từ việc vận hành đường sắt đô thị, đặc biệt tại Hà Nội, đã thể hiện lợi ích và tính ưu Việt của loại hình vận tải này.
Điển hình, sau gần ba năm vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo người dân sử dụng. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng phương tiện đường sắt đô thị này để di chuyển. Trong đó có 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% là đi lại với các mục đích khác.
Qua đánh giá, theo dõi quá trình vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy, đường sắt đô thị từng bước thể hiện được tính ưu việt và tạo ra xu thế giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Người dân đánh giá rất cao và hài lòng về loại hình vận tải hành khách công cộng bằng dường sắt đô thị.
Đối với dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, tiến độ tổng thể hiện đang đạt 78,52%. Dự kiến tháng 7 tới, 8,5 km đi trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại. Trong khi 4km đi ngầm vẫn đang thi công dù dự án đã khởi động từ 14 năm trước.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nguyên nhân gây chậm tiến độ liên quan đến quy trình thủ tục, bất cập trong chính sách giải phóng mặt bằng. Đây đang là điểm nghẽn pháp lý sẽ được tháo gỡ khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực.
Những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đã được Hà Nội nhận diện rất rõ, từ đó đưa ra Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với những giải pháp, chính sách cụ thể.
Đề án với 5 nhóm giải pháp gồm 23 chính sách, được xem là kịch bản chi tiết, cụ thể và đầy đủ nhất, từng bước hiện thực hóa kỳ vọng hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội. Nếu đề án được thông qua sẽ có một loạt cơ chế đặc thù được áp dụng để ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đề án với 5 nhóm giải pháp gồm 23 chính sách này sẽ là kim chỉ nam giúp Hà Nội đột phá mọi khó khăn, thách thức trong đầu tư đường sắt đô thị.
5 nhóm giải pháp được Hà Nội đề xuất cho đường sắt đô thị tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; lập, đề xuất dự án; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ. Có thể nói, Đề án đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung cao nhất của Hà Nội cho đường sắt đô thị.
Minh AnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.