Nỗ lực giữ chân người lao động
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì hoạt động và bảo đảm đời sống của người lao động. Song, không ít doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu sản xuất, nỗ lực giữ chân người lao động. Chính phủ, các bộ, ngành cũng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế, để tạo thêm nhiều việc làm mới.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để giữ chân người lao động. Ảnh: Nhật Nam
Bảo vệ nguồn lực cốt lõi
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, Tập đoàn có gần 160.000 lao động. Lực lượng lao động được xác định là yếu tố cốt lõi để bảo đảm sớm phục hồi sản xuất. Khi các đơn hàng may mặc xuất khẩu giảm mạnh, Vinatex đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, phát triển các mặt hàng phòng, chống dịch; đồng thời bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi giữa các đơn vị để người lao động vẫn có thu nhập dù không được như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Cùng với đó, người lao động cũng đoàn kết, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Với giải pháp ứng phó kịp thời, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù tổng doanh thu hợp nhất của Vinatex ước giảm 15%, lợi nhuận hợp nhất ước giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng điều quan trọng nhất là 100% người lao động vẫn duy trì được việc làm.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần Thân Đức Việt thông tin, bình quân mỗi tháng, May 10 sản xuất 5 triệu chiếc khẩu trang vải, doanh thu đạt 35 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng xuất khẩu khẩu trang y tế khi có đối tác lớn đặt hàng…. Nhờ đó, việc làm của người lao động được duy trì. Công nhân Hoàng Thu Hường, Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội (Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần) chia sẻ: Toàn bộ người lao động tin tưởng vào sự điều hành của ban lãnh đạo, nỗ lực cùng công ty vượt qua khó khăn.
Tương tự, nhiều tập đoàn, tổng công ty có số lao động lớn cũng thực hiện các giải pháp bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Việt Hùng, HUD đã xây dựng 3 kịch bản về dịch Covid-19 để đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, chủ động triển khai các dự án trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch và khi thị trường có yếu tố tích cực.
Còn Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Đào Văn Thông chia sẻ, những tháng qua, Lilama đã nhanh chóng triển khai các dự án để bảo đảm việc làm cho người lao động. Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi đơn hàng giảm sút, nhưng đến nay Lilama vẫn bảo toàn được lực lượng lao động của mình.
Ở góc độ doanh nghiệp nhỏ, Giám đốc Công ty cổ phần Chăm sóc sức khỏe Việt Nam (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) Nguyễn Tuấn Dương cho biết, sau dịch Covid-19, công ty đã chủ động phát triển kinh doanh online (trực tuyến) để duy trì lượng hàng bán ra và công việc cho người lao động. Đồng thời, tranh thủ đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng, tạo điều kiện cho gia đình lao động làm đại lý kinh doanh online sản phẩm của công ty... Nhờ vậy, hầu hết người lao động trụ cột vẫn gắn bó với công ty.
Tạo điều kiện hỗ trợ, bảo đảm thu nhập sẽ giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Nam
Phục hồi sản xuất, tạo ra việc làm
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Riêng quý II-2020, cả nước có thêm 2,4 triệu lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp là 2,73% (khoảng 1,3 triệu người).
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh nhận định, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp chắc chắn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình doanh nghiệp và lao động, việc làm tại Việt Nam. Vì vậy, việc tập trung thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần được đẩy nhanh, cũng là cách giữ người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhất là ở những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú - ăn uống, vận tải…
Thực tế, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, kích cầu thị trường nội địa, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để kích thích các nguồn lực đầu tư khác… Đây là những giải pháp căn cơ để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm cho người lao động. Như Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh khi chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020: “Từ công trình giải quyết tiền lương, từ công trình giải quyết việc làm cho hàng triệu người, vì vậy, phải nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị của các cấp, ngành”.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex đã đề ra những giải pháp trong thời gian tới như xây dựng phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn; tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hoạt động.
Tìm mọi cách duy trì hoạt động, tạo việc làm, giữ chân người lao động cũng là nỗ lực của hầu hết doanh nghiệp hiện nay dù diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam còn phức tạp, đặc biệt sau những ca mắc mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi gần đây.
Thanh HảiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.