Nỗ lực kiềm chế lạm phát
Nền kinh tế đã đi qua nửa năm trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi. Sức nặng đang dồn vào nửa cuối năm khi phải đạt những kết quả tối đa ở tầm vĩ mô, trong đó có mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% cho cả năm 2020. Đây là mục tiêu khó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với công tác điều hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng, địa phương...
Giá thịt lợn hơi ở mức cao (trung bình khoảng 100.000 đồng/kg tại nhiều địa phương) đã đẩy CPI tăng theo, gây khó khăn cho đời sống người dân. Ảnh: Ngọc Quang
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2020 tăng 0,66% so với tháng trước và là mức tăng khá cao. Trong đó, có 7 nhóm hàng tăng so với tháng trước như thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ăn uống... Đây là những nhóm hàng có mức cầu tăng bởi cuộc sống đang dần ổn định trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Tính chung bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đe dọa đến khả năng kiềm chế CPI dưới 4% như mục tiêu đề ra.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân chủ yếu kích đẩy CPI tăng là bởi nhóm giao thông đã tăng tới 6,05% trong tháng 6, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dầu. Đơn cử, giá xăng, dầu điều chỉnh ngày 28-5 và ngày 12-6 với mức tăng rất lớn đã trực tiếp khiến CPI chung tăng thêm 0,59%.
Tiếp theo, giá thịt lợn hơi trong tháng vẫn neo ở mức cao với mức trung bình khoảng 100.000 đồng/kg tại nhiều địa phương, đã đẩy CPI tăng theo, gây khó khăn cho đời sống người dân.
Theo chị Đinh Thúy Nga, trú tại ngõ 310 Nghi Tàm (quận Tây Hồ), nhìn chung nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình đang trong quá trình hồi phục sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến giá một số mặt hàng có xu hướng tăng trở lại, tuy không nhiều. Tuy nhiên, việc giá thịt lợn “đứng” ở mức cao, lại trong thời gian khá dài nên đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả của những hộ có mức thu nhập bình thường.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng, dầu và thịt lợn vẫn là hai “ẩn số” khó đoán; nhưng cũng là những yếu tố quan trọng nhất, góp phần quyết định mức lạm phát năm 2020.
Thực tế cho thấy, giá xăng trong nước nhìn chung vẫn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường xăng, dầu thế giới. Song, cần lưu ý một thực tiễn là kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu, chưa thể hồi phục ngay trong năm nay. Vì thế, giá xăng, dầu dù có thể vẫn tăng, nhưng khó có thể tăng mạnh đến mức bằng được giá như trước khi có dịch Covid-19.
Nhận định về tình hình sắp tới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn và giá dầu khó tăng mạnh.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hài hòa... để chia sẻ áp lực tăng giá nhiên liệu, nhằm mục tiêu bình ổn giá của thị trường nội địa. Hơn nữa, cần tận dụng hết năng lực lọc dầu trong nước để bổ sung tối đa cho nguồn cung.
Việc khống chế đà tăng giá thịt lợn, kết hợp kéo giảm giá càng nhanh càng tốt thực chất là xác lập sự cân bằng trong quan hệ cung - cầu đối với mặt hàng rất nhạy cảm này. Hiện, hoạt động nhập khẩu lợn sống đang được thực hiện, nhằm tăng cường nguồn cung ra thị trường, song cũng chưa thể bù đắp đủ như mong muốn của người tiêu dùng. Hơn nữa, vấn đề này đòi hỏi phải có đủ thời gian để tái đàn, cho ra những lứa lợn mới.
Về mặt quản lý, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cố gắng hạ giá thịt lợn. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng, bảo đảm sự vận hành suôn sẻ, lành mạnh trong phân phối và giá bán trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy nhanh việc tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm tăng cường và ổn định nguồn cung cho thị trường.
Với tình hình hiện nay, bà Đỗ Thị Ngọc nhận định, giá xăng, dầu và thịt lợn sẽ diễn biến theo hướng ổn định hơn, không đáng lo ngại. Bằng việc nhận diện thực trạng, các yếu tố tác động và tập trung điều hành, kiểm soát đà tăng giá của Chính phủ, các cơ quan chức năng, dự báo CPI có khả năng sẽ được khống chế dưới 4% như chỉ tiêu đề ra.
SƠN - HƯƠNGBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.