Nỗ lực làm đồ chơi từ vật liệu tái chế của các nhà sản xuất trên thế giới

Quốc tế
02:20 PM 24/10/2022

Mattel - nhà sản xuất búp bê Barbie đang cố gắng giúp giảm khủng hoảng ô nhiễm nhựa bằng 33 món đồ chơi thân thiện với môi trường.

Giờ đây, bạn có thể mua một chiếc xe Matchbox Tesla Roadster được chế tạo từ 99% vật liệu tái chế và được chứng nhận không có carbon trung tính. Trong khi đó, búp bê Barbie mới được làm bằng nhựa tái chế, được thu gom ở Mexico trước khi bị thải ra môi trường và gây ô nhiễm. 

Nỗ lực làm đồ chơi từ vật liệu tái chế của các nhà sản xuất trên thế giới - Ảnh 1.

Búp bê Barbie mới được làm bằng nhựa tái chế. Ảnh: Bloomberg

Những món đồ chơi này, được sản xuất và phân phối bởi Mattel Inc, là một phần trong nỗ lực của ngành công nghiệp đồ chơi toàn cầu trị giá 104 tỷ USD nhằm làm cho các sản phẩm nhựa của họ trở nên bền vững hơn trong bối cảnh khủng hoảng ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng. 

Hasbro Inc. năm ngoái đã thông báo rằng món đồ chơi có tên là Mr. Potato Head sẽ được làm từ các vật liệu có nguồn gốc thực vật hoặc tái tạo vào cuối năm 2024. Trong khi đó, Tập đoàn Lego đang sản xuất một số phụ kiện cho bộ lắp ghép từ một loại nhựa có nguồn gốc từ cây mía Brazil đồng thời thử nghiệm biến chai nhựa tái chế thành các mảnh ghép xếp hình.

Pamela Gill-Alabaster, trưởng bộ phận phát triển bền vững toàn cầu tại Mattel, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta thực sự đang ở thời điểm quan trọng. Đó là điều đúng đắn nên làm nhưng tôi nghĩ cần có động lực từ người tiêu dùng và điều này sẽ có ích với môi trường hơn".

Mattel hiện đang cung cấp 33 món đồ chơi được dán nhãn bền vững. Năm 2020, con số này mới dừng ở mức 4. Công ty cam kết vào cuối thập kỷ này, toàn bộ dòng sản phẩm của họ sẽ được làm 100% từ "vật liệu nhựa tái chế hoặc vật liệu sinh học".

Nỗ lực làm đồ chơi từ vật liệu tái chế của các nhà sản xuất trên thế giới - Ảnh 2.

Tập đoàn Lego đang sản xuất một số phụ kiện cho bộ lắp ghép từ một loại nhựa có nguồn gốc từ cây mía Brazil. Ảnh: Bloomberg

Theo nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế, một hộ gia đình phương Tây trung bình mua 18,3 kg đồ chơi bằng nhựa cho mỗi em bé mỗi năm.

Trên thực tế, việc chuyển đổi sang các vật liệu mới sẽ không dễ dàng hay chi phí thấp hơn. Việc sản xuất đồ chơi từ nhựa sinh học và nhựa tái chế đặt ra nhiều thách thức trong sản xuất, bởi thiết bị và quy trình phải được cấu hình lại để xử lý vật liệu. Các loại nhựa bền vững để làm đồ chơi "xanh hơn" cũng bị thiếu hụt, khiến giá tăng. Rất nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng đang thực hiện các cam kết sử dụng nhựa bền vững, vì vậy nhu cầu rất lớn mà nguồn cung hữu hạn.

Juli Lennett, nhà phân tích ngành công nghiệp đồ chơi tại NPD Group, cho biết các cha mẹ ngày nay đang có nhu cầu về đồ chơi bền vững nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Cô nói thêm: "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta còn một chặng đường dài để tiếp tục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về mục tiêu phát triển bền vững".

90% số búp bê thuộc dòng "Barbie Loves the Ocean" được sản xuất từ loại nhựa được thu gom trong vòng 50 km đường thủy ở những vùng không có cơ sở xử lý chất thải. Một trong số đó là vùng Baja của Mexico.

Thành phần tạo nên sản phẩm ô tô Matchbox Tesla của Mattel từ vật liệu bền vững có vẻ khá đơn giản: 62,1% đồ chơi được làm từ kẽm tái chế, 36,9% từ nhựa tái chế và 1% còn lại từ thép không gỉ. Bao bì của đồ chơi được làm từ vật liệu tái chế và khay đựng sản phẩm sinh học có thể tự phân hủy.

Nỗ lực làm đồ chơi từ vật liệu tái chế của các nhà sản xuất trên thế giới - Ảnh 3.

Sản phẩm ô tô Matchbox Tesla của Mattel. Ảnh: Bloomberg

Gill-Alabaster nói: "Trung hòa carbon là phương pháp đơn giản nhất tạo ra sản phẩm tốt hơn cho hành tinh. Nhờ đó, hãng đã tạo ra sản phẩm với chất liệu tốt hơn. Bản thân những sản phẩm này được thiết kế để giúp phát triển các hành vi xanh thông qua một số mô hình như đồ chơi phân loại rác thải hay vận chuyển bằng phương tiện chạy điện".

Mattel cho biết công ty đang cố gắng không để đồ chơi cũ bị thải ra ngoài môi trường thông qua chương trình PlayBack, cho phép khách hàng ở Canada, Pháp, Đức, Anh và Mỹ trả lại sản phẩm cho công ty để tái sử dụng hoặc tái chế. Gill-Alabaster nói: "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là có thể sử dụng vật liệu thu hồi được từ chương trình PlayBack để sản xuất đồ chơi trong tương lai".

An Mai (Theo Bloomberg)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.