Nỗ lực tăng sức hút của đường sắt đô thị với người dân Thủ đô
Tỷ lệ hành khách sử dụng đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội hiện đang thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn trong khu vực, với chỉ khoảng 1% dân số Hà Nội sử dụng metro. Thành phố đã triển khai các ưu đãi, chính sách để tăng thêm sức hút với người dân.
Hiện tại, Hà Nội có hai tuyến metro đang hoạt động. Đầu tiên là tuyến metro số 2A (Cát Linh - Yên Nghĩa), được khai trương vào tháng 11/2021 với tổng chiều dài 13 km. Tuyến thứ hai là tuyến metro số 3 (giai đoạn I), chạy từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy, đi vào hoạt động từ tháng 8/2024 với chiều dài 8,5 km.
Qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hiện có 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà đường sắt đô thị đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ.
Tuy nhiên, các loại hình giao thông công cộng trên địa bàn Thủ đô chưa phát huy hết tiềm năng.
Tỷ lệ hành khách sử dụng metro tại Hà Nội hiện đang thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn trong khu vực, với chỉ khoảng 1% dân số Hà Nội sử dụng metro, trong khi con số này ở Singapore, Bangkok, và Kuala Lumpur lần lượt là 50%, 15%, và 10%.
Hiện nay, đối tượng sử dụng metro chủ yếu là người đi làm và học sinh, sinh viên, chiếm 90% tổng số hành khách. Riêng tại Hà Nội, 47% hành khách là người đi làm, 45% là học sinh, sinh viên, và 8% sử dụng metro cho các mục đích khác.
Chuyên gia của Savills Hà Nội lý giải, nguyên nhân chính là do hệ thống metro ở Hà Nội còn quá hạn chế với tổng chiều dài chỉ 22 km. Điều này khiến việc đi lại và kết nối giao thông chưa thuận tiện.
Ngoài ra, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng metro. Metro mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong 3 năm, trong khi các nước trong khu vực đã phát triển hệ thống metro từ 20-30 năm, thậm chí 100 năm ở các quốc gia phát triển.
Trước thực tế trên, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hiện giá cả đã khá hợp lý, miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu vận hành thương mại.
Các chính sách được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/07/2019 về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.
Cùng với đó là hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khi mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Có thể nói, đường sắt đô thị là một trong những mục tiêu trọng điểm và dài hạn của TP Hà Nội nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông, phát triển hạ tầng giao thông xanh, hiện đại, thông suốt.
Theo đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn 2024 - 2045, TP Hà Nội dự kiến hoàn thiện khoảng 12 tuyến đường sắt đô thị (khoảng 600km) với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ USD. Trong đó, từ nay đến năm 2030 cần 14,6 tỷ USD để hoàn thành 96km; giai đoạn 2031-2035, cần 22,5 tỷ USD làm 301km; giai đoạn 2036-2045 cần 18,2 tỷ USD làm 200km.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.