Nỗ lực thu ngân sách vượt “kỳ tích” của xứ Thanh
Kết thúc tháng 10/2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt hơn 4.140 tỷ đồng, đưa tổng thu ngân sách 10 tháng năm 2024 của địa phương đạt 47.000 tỷ đồng. Với tốc độ này, kết thúc năm 2024, Thanh Hóa sẽ vượt kỳ tích thu ngân sách năm 2022 là 50.000 tỷ đồng.
Bằng nhiều giải pháp tập trung khai thác mở rộng thị trường, tháng 10 năm 2024, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng cao.
Đáng chú ý, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,2%; thu từ doanh nghiệp địa phương tăng 10,2% so với cùng kỳ; thu từ khu vực dân doanh tăng 18,6%. Xuất khẩu hàng hóa đạt hơn tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Cũng trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng 19,6% so với cùng kỳ...
Với cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, xoay chuyển phù hợp với diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ký kết được các đơn hàng đảm bảo sản xuất cả năm, một số ngành dệt may, da giày đã có đơn hàng cho quý I/2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024 sẽ là tiền đề, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Trong "kỳ tích" này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp. Luôn giữ vị trí chủ đạo trong đóng góp ngân sách tại KKTNS và quy mô toàn tỉnh là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Sau thời gian hoàn thành bảo dưỡng lần đầu vào cuối năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn vận hành vượt công suất thiết kế.
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong một năm gồm nhiều chỉ tiêu. Một trong chỉ tiêu quan trọng là thu ngân sách; việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa 10 tháng năm 2024; tình hình phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng và vật nuôi.
Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm. Sản xuất công nghiệp ổn định, duy trì đà tăng trưởng tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 23,43% so với cùng kỳ; đa số các sản phẩm tăng so với cùng kỳ, trong đó nhiều sản phẩm tăng cao: Dầu nhiên liệu, sắt thép các loại, quần áo may sẵn...
Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt trên 16.500 tỷ đồng, bằng 121,8% dự toán và tăng 43,1% so với cùng kỳ, trong đó, riêng thuế giá trị gia tăng thu từ dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 13.761 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.
Trong những tháng cuối năm, các địa phương, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung theo dõi, đánh giá các nguồn thu. Triển khai và nuôi dưỡng, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế, phí, qua đó khai thác tốt các nguồn thu, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm thực hiện. Hoạt động thương mại dịch vụ thông suốt, nguồn cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 10 ước đạt 17.214 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Về công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các câp, các ngành, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 20 tháng 10, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.206,6 tỷ đồng bằng 65,2% kế hoạch, cao hơn 10,1% cùng kỳ.
Cùng với đó, chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ về y tế giai đoạn 2024-2030 với Bệnh viện Bạch Mai; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân được cải thiện; toàn tỉnh đã ra quân khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Có thể thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp nối 9 tháng với nhiều điểm sáng. Trong đó, việc thu ngân sách của địa phương này tính tròn 10 tháng đã đạt khoảng 47 ngàn tỷ đồng.
Mục tiêu này chính thức được đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề cập trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 70 năm đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tối ngày 2/10: "Kinh tế liên tục tăng trưởng, giai đoạn 2021-2023 tăng 9,69%; 9 tháng năm 2024 tăng 12,46%. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách hàng năm luôn vượt dự toán; 9 tháng năm 2024, thu gần 47 ngàn tỷ đồng".
Với những kết quả đạt được về thu ngân sách Nhà nước trong 10 tháng qua, chúng ta tin tưởng rằng, kết thúc năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước sẽ vượt qua kỳ tích năm 2022 (50 ngàn tỷ đồng) để xác lập nên kỳ tích mới. Tiếp tục tái nhập CLB tỉnh thành có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ đồng.
Triều NguyệtTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.