Nỗ lực thực hiện thành công nhiệm vụ "kép"

Sự kiện
11:14 PM 29/07/2020

Việc xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng càng khiến chúng ta phải nỗ lực gấp bội để hoàn thành tốt nhiệm vụ “kép” vừa kiểm soát thành công dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.

    Chúng ta cần nỗ lực cố gắng gấp ba để thực hiện thành công nhiệm vụ kép chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

    Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới hơn 30 triệu lao động

    Nền kinh tế nước ta vừa có dấu hiệu khởi sắc khi trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội thì việc ghi nhận các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã đặt ra những thách thức thức cho chúng ta trong việc thực hiện nhiệm vụ “kép” khống chế dịch bệnh và phát triển kinh tế.
    Những biện pháp phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ, quyết liệt theo hướng chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế nhất định đã góp phần rất quan trọng để khống chế dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, không để dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát như rất nhiều vùng quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

    Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, đã chịu tác động rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống và việc làm của hàng triệu người dân. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố đầu tháng 7 này cho thấy, tính tới tháng 6, nước ta đã có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch bệnh Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm nay. 

    “Bị ảnh hưởng”, theo Tổng cục Thống kê, là những người lao động từ 15 tuổi trở lên mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc có việc làm nhưng giảm giờ làm và thu nhập... Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Điều này khiến thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động trong quý II-2020 giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước). Đây cũng là lần đầu tiên thu nhập bình quân của người lao động nước ta bị giảm trong 5 năm qua.

    Trong các khu vực kinh tế nước ta, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nhất với 72% lao động bị tác động, khu vực công nghiệp và xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%. Những con số giảm sút mạnh này đã dẫn tới việc lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục. Số người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II-2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tổng cục Thống kê cho biết, mức giảm của lực lượng lao động trong quý II-2020 là mức giảm chưa từng có trong thập kỷ vừa qua.

    Những tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lên mức cao nhất 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46%, mức cao nhất 10 năm. Theo đó, trong gần 30,8 triệu người “bị ảnh hưởng”, có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động mà đa số trong số đó là mất việc trong tháng 4-2020, tháng thực hiện các biện pháp mạnh về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

    Một trong những ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành hàng không. Các hãng hàng không Việt Nam có đội máy bay 250 chiếc, tuy nhiên trong dịch Covid-19 chỉ khai thác 1-2% đội bay, còn lại đều “nằm đất”. Hãng hàng không Vietnam Airlines dự kiến năm 2020, hãng sẽ phải giảm tải cung ứng khoảng 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.

    Những số liệu trên cũng cho thấy, ngành du lịch nước ta đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ du lịch trong 5 tháng đầu năm 20202 chỉ đạt 150.300 tỷ đồng, giảm tới 47,4% so với cùng kỳ 2019, trong đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 năm giảm tới 98,3% so với cùng kỳ năm trước (số khách quốc tế ít ỏi vào Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam chứ không phải khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích đi du lịch).

    Khó khăn gấp đôi cần nỗ lực gấp ba

    Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới đã ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo âm 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo âm 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều được dự báo tăng trưởng âm từ 5-10%, thương mại quốc tế giảm mạnh...

    Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với đại dịch và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc nước ta có được tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, song vẫn được xem là con số đầy ấn tượng, đưa Việt Nam vào nhóm rất ít ỏi các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương.

    Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp, nhưng chúng ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch bệnh. Một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng, tháng sau tích cực hơn tháng trước. 

    Trong đó, tình hình phát triển doanh nghiệp có tín hiệu khả quan. Tháng 6 vừa qua, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thuộc các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi dịch và biện pháp giãn cách xã hội tăng cao so với tháng trước, như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 24,6%), dịch vụ việc làm, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 13,7%), vận tải kho bãi (tăng 11,6%)…

    Tuy nhiên,, việc ghi nhận trở lại những ca bệnh Covid-19 sau 99 ngày không có ca mắc trong cộng đồng đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm. Thế nhưng, ngay trong lúc khó khăn này, việc nhanh chóng khống chế bằng được dịch bệnh, không để dịch lây lan là vô cùng quan trọng không chỉ với tính mạng, sức khỏe người dân mà cả nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Đây cũng chính là nhiệm vụ “kép” mà chúng ta phải nỗ lực cao độ để hoàn thành. 

    Hoàng Hà
    Ý kiến của bạn
    Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10% Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%

    Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.