"Nợ xấu không tệ như mọi người nghĩ, cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trở lại khi xuất hiện những câu chuyện mới"

Đầu tư và Tiếp thị
05:18 PM 16/12/2021

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" chiều nay 16/12.

Tại Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" do Công ty chứng khoán SSI và ngân hàng VIB tổ chức chiều nay 16/12, ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, trong khi nhà đầu tư tổ chức, NĐT nước ngoài, tức NĐT chuyên nghiệp lại có vai trò tương đối mờ nhạt.

"NĐT cá nhân họ giao dịch rất nhanh, kỳ vọng sinh lời nhanh và thích cổ phiếu vừa và nhỏ chứ không thích cổ phiếu lớn, như ngân hàng", ông Đức nhận định. Đó cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng bị mất sức hấp dẫn thời gian gần đây.

Theo chuyên gia của SSI, nửa đầu năm cổ phiếu ngân hàng tăng rất tích cực và đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, thời gian gần đây, các ngân hàng có một vài vấn đề.

Thứ nhất, sau quá trình dịch, nhiều nhà đầu tư sẽ băn khoăn liệu nợ xấu ngân hàng có tăng lên hay không.

Thứ hai, sau quá trình tăng giá khá dài, định giá của ngân hàng đã không còn rẻ.

Thứ ba, nhiều ngân hàng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu thời gian qua, tạo nên áp lực về số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng lên giá cổ phiếu. Chúng tôi đã nhận thấy điều này. Cổ phiếu NH có thể phải tích lũy thời gian, để những yếu tố đó qua đi, xuất hiện những câu chuyện mới như lợi nhuận cao, phục hồi sau dịch, nợ xấu thấp,…để kéo nhóm cổ phiếu này tăng trưởng tốt hơn.

Theo quan điểm của ông Đức, ngân hàng là ngành hiếm hoi có lợi nhuận có thể tăng trưởng thời gian dài, kể cả sau dịch. Lợi nhuận của ngân hàng hiện nay chủ yếu đến từ tín dụng, trong khi quy mô tín dụng thì luôn tăng theo thời gian, bất kể đại dịch. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đa dạng hóa doanh thu của mình đến từ nhiều nguồn. "Không ngạc nhiên khi lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh. Ẩn số duy nhất là nợ xấu và áp lực buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phát triển đúng hướng thì nỗi lo không nhiều, và tạo điều kiện cho ngân hàng tăng trưởng vững chắc thời gian tới". 

Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VIB thì nhận định, ngành ngân hàng có nhiều tiềm năng phát triển thời gian tới. Ông cho biết, nhiều dự báo cho rằng năm 2022, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 4,5-6,5%. Gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 800 nghìn tỷ, nếu được thông qua thì ngân hàng được hưởng lợi gián tiếp. Gói kích thích kinh tế sẽ tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp có dòng tiền, từ đó giảm tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.

Các nhà đầu tư đang quan ngại dịch bệnh gây ách tắc dòng tiền, nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, gói hỗ trợ khoảng 3% GDP đã giải quyết được khá nhiều, giúp dòng tiền luân chuyển trở lại.

Bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021 chủ yếu nhờ tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm rất cao. Trong quý 3/2021 dù giãn cách nhưng lợi nhuận nhóm này vẫn có đà tăng trưởng ổn định.

Về vấn đề nợ xấu, nhiều nhà đầu tư lo lắng cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư cơ bản, giá trị, đại diện Dragon Capital cho rằng việc này không tệ như mọi người nghĩ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên 1,91% cuối quý 3. Trong điều kiện Covid, đà tăng của nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát. 

Về dư nợ tái cơ cấu nợ là khoảng 2,6% tổng dư nợ vào cuối tháng 9/2021, thấp hơn nhiều so với 3,9% cuối năm 2020. 

Thêm nữa, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đang ở mức kỷ lục và trung bình cao khu vực, tại một số ngân hàng top đầu còn lên trên 200%. 

"Nếu không xảy ra giãn cách diện rộng nữa thì khó ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2022. Lợi nhuận có thể đến từ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh mẽ trở lại. Cuối tháng 12, nhiều ngân hàng xin thêm room tín dụng, đây sẽ là động lực lợi nhuận cho ngân hàng, đặc biệt là tín dụng mảng bán lẻ",

Dragon Capital khá tự tin với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sắp tới cho cả quý 4/2021 và năm 2022. Chính vì vậy, ở Dragon Capital hiện nay đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong VN Index.

Thu Thủy
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.