Nợ xấu sẽ 'xấu' hơn?
Theo các ngân hàng thương mại, thời điểm này chưa thể đánh giá rõ ràng được những hậu quả chính xác mà dịch bệnh tác động đến ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu chắc chắn sẽ tăng, trong khi việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ trên báo chí, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. Tuy nhiên, từ 1/1/2021, việc đòi nợ thuê chính thức bị cấm. Do đó, các tổ chức tín dụng phải tự đòi nợ, song việc thu hồi, xử lý nợ xấu hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc.
Hơn nữa, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Theo ước tính của chuyên gia này, dư nợ được cơ cấu lại cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ước khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 30% nợ cơ cấu tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu. Như vậy, khả năng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng năm nay sẽ vào khoảng 2,5-3%.
Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn.
“Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều. Kiểu như không để “con sâu làm rầu nồi canh”, ông Lực nói với báo chí.
Ngân hàng Techcombank cũng đánh giá, dịch COVID-19 chưa kết thúc, và chưa thể đánh giá rõ ràng được những hậu quả chính xác mà dịch bệnh tác động đến ngân hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu nợ xấu, bà Nguyễn Thu Lan - Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Techcombank phân tích trên báo Đầu Tư, am hiểu khách hàng, phân loại đúng khách hàng và có giải pháp phù hợp là giải pháp hàng đầu. “Với khách hàng khó khăn tạm thời do dịch bệnh thì ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Với khách hàng khó khăn lâu dài, bị ảnh hưởng nặng nề thì ngân hàng đồng hành cùng khách hàng, tìm các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, xử lý sớm để hạn chế chi phí và lãi phát sinh”, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, bà Lan kiến nghị, NHNN tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp với các ngân hàng thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Còn đại diện VAMC đề nghị NHNN tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, có thể thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài hơn nữa.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.