Nợ xấu tăng mạnh tại nhiều ngân hàng nhưng... 'chưa quá xấu'
Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh trở lại trong quý 3/2021 tại nhiều ngân hàng nhưng theo chuyên gia tài chính, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng nhưng không "quá xấu".
Nợ xấu tăng nhưng "không quá xấu"
Thống kê tại gần 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 cho thấy, 36,8% ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm, còn lại 63,2% ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng..
Tại VietBank ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% trong quý 3/2021 lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh trong khi tổng quy mô dư nợ cho vay lại chỉ tăng 4,8% đã khiến tỷ lệ nợ xấu của VietBank tăng đáng kể. Cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại nhà băng này là 2,65%, cao hơn mức 1,75% hồi đầu năm.
Tại Techcombank, sau diễn biến rất tích cực trong nửa đầu năm, nợ xấu trong quý 3/2021 của nhà băng này bất ngờ tăng thêm hơn 710 tỷ đồng, tương đương tăng 63,5% lên 1.819 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp đôi lên 443 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng 83% lên 727 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù nợ xấu tăng trong quý 3 nhưng chất lượng tài sản của Techcombank vẫn thuộc hàng đầu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng nhẹ từ 0,4% (cuối quý 2) lên 0,6% (cuối quý 3) do các thành phố lớn thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội trong gần hết quý 3.
Tương tự tại MB, sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%. Song, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).
ACB cũng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.
Có thể thấy, dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng chưa có ngân hàng nào ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt 3%.
Tại buổi họp báo quý III/2021 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã nhấn mạnh, nợ xấu là một trong những áp lực lớn của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn và nợ đã cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của cuối năm nay sẽ xấp xỉ 8%. Song nợ xấu tăng nhưng không "quá xấu" do đã được dự đoán trước nên các ngân hàng đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp kìm lại hoặc giảm tỷ lệ nợ xấu.
Chủ động giảm tỷ lệ nợ xấu
Theo đó, nhiều ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng "bộ đệm" chống đỡ dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Chẳng hạn tại ACB, riêng trong quý 3/2021, chi phí dự phòng rủi ro đã tăng hơn 5 lần so với quý 3/2020 lên 820 tỷ đồng. Theo đó, tổng cộng 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của ACB đã lên hơn 2.812 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ.
Hay tại VietBank, chi phí dự phòng rủi ro quý 3 đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước lên 51 tỷ đồng và "ăn mòn" đến 43% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Việc tăng mạnh chi phí dự phòng cũng khiến lợi nhuận trước thuế quý 3 của nhà băng này ghi nhận sụt giảm 20,5%, chỉ đạt 68 tỷ đồng.
MB cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng thời gian qua. Quý 3/2021, chi phí dự phòng của nhà băng này đã tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.778 tỷ đồng; theo đó tổng 9 tháng, chi phí dự phòng là 6.018 tỷ, tăng 43,5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một số cách thức ngân hàng có thể sử dụng để giảm nợ xấu như: Chuyển những món nợ không được cơ cấu ra ngoại bảng và giữ nguyên nhóm nợ thêm một thời gian; tìm cách tăng mạnh tỷ lệ tín dụng để từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu...
Thậm chí, trong một số trường hợp khi doanh nghiệp có khả năng thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ cho vay thêm để kéo dài thời hạn, đồng thời giảm phần lãi và gốc mà khách hàng phải trả định kỳ. Từ đó, sẽ không làm ảnh hưởng tới tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Do đó, mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% (cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,69%) trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét việc rà soát, nghiên cứu để luật hóa các chính sách quy định tại NQ42 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của TCTD theo hướng ban hành 1 luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.
Việc giảm tỷ lệ nợ xấu hoặc tìm cách kìm cương nợ xấu vừa đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hơn nữa điều này còn khiến cho các nhà đầu tư, cổ đông yên lòng và giữ được giá trị cổ phiếu trên thị trường.
Hoài Thương (t/h)Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.