Nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng tăng 30-50%

Ngân hàng
08:50 AM 14/08/2024

Nợ xấu vẫn tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Tính tới cuối tháng 6/2024, tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuyệt đối tăng 30-50% so với cuối năm 2023.

Báo cáo tài chính của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái. Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tuyệt đối tăng tới 30-50%.

Nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng tăng 30-50%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu với tổng nợ xấu đạt 31.712 tỷ đồng cuối quý II/2024, tăng 11,6% so với cuối năm trước. Tại Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 29.274 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong tổng số dư nợ xấu, với BIDV tăng 28% lên thành 28.687 tỷ đồng và VietinBank tăng 48,4% lên thành 24.646 tỷ đồng.

Tuy nhiên đây chưa phải những ngân hàng có tốc độ tăng nợ xấu nhanh nhất trong 6 tháng qua. Xét về tốc độ tăng nợ xấu phải kể tới Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) với số dư nợ xấu tăng mạnh đến 65,3% so với thời điểm cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tăng 52,3%, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) tăng 48,6%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng 47,4%...

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu tổng thể của toàn hệ thống đạt khoảng 6,9% vào cuối tháng 6/2024, trong khi đó nợ xấu nội bảng đạt khoảng 4,95% vào cuối tháng 5/2024. Như vậy, nợ xấu nội bảng tăng gần 0,4 điểm phần trăm so với đầu năm 2024 và trong xu hướng tăng mạnh kể từ năm 2022 đến nay.

Nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua một phần do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn 2020-2023 do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Ngoài ra, sự kiện SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và các khoản nợ xấu phát sinh từ ngân hàng này cũng làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh hơn.

Các chuyên gia dự báo, nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. 

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank chỉ rõ, các khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thương mại, thép... đã khiến nợ xấu gia tăng. Đặc biệt, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh, cho thấy rằng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ và cần sự hỗ trợ từ các chính sách cơ cấu lại nợ.

Trước áp lực nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để bảo vệ tài chính của mình. Đây là một biện pháp quan trọng giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng và đối phó với các khoản nợ khó đòi.

Ngoài việc tăng cường dự phòng rủi ro, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu theo chương trình giai đoạn 2021-2025. Điều này bao gồm việc tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng và giám sát chặt chẽ các hoạt động cấp tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn