Nối lại đường bay quốc tế: Sốt ruột chờ hướng dẫn y tế với khách nhập cảnh

Xã hội
04:59 PM 15/12/2021

Lãnh đạo Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho hay, tới nay vẫn chưa có hướng dẫn về cách ly, giám sát y tế với khách nhập cảnh trong giai đoạn thí điểm nối lại đường bay thường lệ quốc tế, nên cơ quan hàng không chưa có cơ sở để đàm với với các nước.

Sốt ruột chờ hướng dẫn để nối lại đường bay quốc tế

Liên quan đến kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, giám sát y tế với người nhập cảnh.

Khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này, Cục Hàng không Việt Nam mới có cơ sở để đàm phán với các nước dự định nối lại đường bay quốc tế, từ đó quyết định về tần suất, sân bay đi/đến.

Nối lại đường bay quốc tế: Sốt ruột chờ hướng dẫn y tế với khách nhập cảnh - Ảnh 1.

Các đường bay quốc tế vẫn chưa rõ kế hoạch nối lại do chưa có hướng dẫn về giám sát y tế với khách nhập cảnh.

Theo kế hoạch Bộ GTVT xây dựng, bước thí điểm giai đoạn 1 sẽ có tần suất 4 chuyến/đường bay/tuần, nhưng theo lãnh đạo Cục Hàng không, đây mới là định hướng của Việt Nam, cụ thể ra sao về đường bay, tần suất bay vẫn phải chờ đàm phán cụ thể với từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau giai đoạn 1 kéo dài 15 ngày, sẽ thí điểm giai đoạn 2 trong 1 tháng, sau đó Bộ GTVT đánh giá báo cáo Chính phủ để tiến tới khai thác bình thường.

“Sau khi đàm phán xong với các nước về đường bay, tần suất, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT, sau đó mới cấp phép bay cho các hãng”, lãnh đạo Cục Hàng không nói thêm.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hiện các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 1,5 - 1,9% so với giai đoạn 2019 và thực tế bay quốc tế chưa có khách. Dự báo nửa cuối năm 2022, ở kịch bản khả quan nhất, thị trường khách quốc tế qua đường hàng không sẽ phục hồi bằng 25% so với trước khi có dịch, tăng dần vào cuối năm, tới năm 2024 mới phục hồi bằng thời điểm khi chưa có dịch.

Cũng theo ông Hà, Vietnam Airlines luôn sẵn sàng tìm cách để đảm bảo chuyến bay cất cánh đặc biệt là bay quốc tế. Hãng vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia phục vụ nhu cầu khách từ Việt Nam sang các nước này.

Ngoài ra, hãng kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu. Ngày 28/11, Vietnam Airlines mở bay đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh - Mỹ đặt mục tiêu cạnh tranh và thu hút khách có doanh thu cao để tăng cơ hội khai thác.

Nhấn mạnh Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 là tín hiệu vui, Vietnam Airlines chuẩn bị cho sự phục hồi bay quốc tế bằng việc khai thác thí điểm 5 tỉnh, thành sau khi Chính phủ cho phép và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiếp tục báo cáo xem xét mở rộng thêm các nước mở đường bay quốc tế như đi châu Âu, Australia vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường người Việt ở nước ngoài nhiều, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán.

Đề nghị không cách ly tập trung nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Y tế góp ý hướng dẫn về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không.

Theo đó, về yêu cầu chung phòng chống dịch đối với người nhập cảnh: "trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi", VABA đề nghị sửa đổi là: “trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi" cho phù hợp với quy định và điều kiện chung trên thế giới.

Nối lại đường bay quốc tế: Sốt ruột chờ hướng dẫn y tế với khách nhập cảnh - Ảnh 2.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Bùi Doãn Nề - Chủ tịch VABA, VABA đề nghị chỉ cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, VABA để nghị quy định trong 3 ngày đầu, người nhập cảnh tự kiểm tra sức khỏe tại nhà, được phép tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm RT - PCR.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine, VABA đề nghị bổ sung quy định nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày; cần phải có hướng dẫn cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn tới rất khó khăn khi triển khai trong thực tế.

"VABA đề nghị Bộ Y tế quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay", ông Nề đề xuất.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.