Nỗi lo giữ gìn một làng nghề

Địa phương
03:59 PM 02/08/2022

Nhắc đến Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi ai cũng sẽ nhớ tới đặc sản bánh tráng đã có từ lâu đời. Những người già trong làng không biết nghề làm bánh có từ bao giờ, khi họ lớn lên nghề bánh tráng đã theo họ và gắn bó suốt quãng đời. Hơn 20 năm trước làng nghề nhộn nhịp với gần 95% số hộ làm bánh tráng, hiện nay con số này chỉ còn lại một nửa. Người làm bánh đã chuyển sang những nghề khác, những người trẻ của làng đã quay mặt với nghề, sự mai một của một làng nghề đang diễn ra trước sự bất lực của lớp người từng “sống, chết” với nghề làm bánh tráng.

Cái khó bó cái khôn

Bánh tráng Phú Hòa Đông được ưa chuộng bởi nguyên liệu pha chế hòa quyện giữa bột gạo nàng hương, gạo thơm với nguồn nước ngọt có sẵn. Dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị mỗi chiếc bánh ra lò là một sự kì công cũng được xem là mô hình làng nghề truyền thống làm ăn thành công trên cả nước. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, xây dựng được cơ ngơi nhờ vào bánh tráng. Có thời kì làng nghề đã sản xuất, xuất khẩu 20.000 tấn bánh tráng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 5000 người với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/ tháng.

Cùng với làn sóng công nghiệp hóa, hiện nay ở Phú Hòa Đông làm bánh bằng máy đang chiếm ưu thế, mỗi chiếc máy một ngày hoạt động hết công suất có thể tráng được hơn 1000 kg bột vừa nhanh, vừa tiện hơn so với làm bánh bằng tay. Nguyên liệu làm bánh được thay bằng bột mì. Những chiếc bánh ra lò theo kích cỡ của đơn đặt hàng, bánh tráng Phú Hòa Đông không còn phong phú như xưa nữa. 

Nỗi lo giữ gìn một làng nghề - Ảnh 1.

Nồi tráng bánh đường kính rộng với cải tiến cách tiếp nước tạo năng suất cao

Xã Phú Hòa Đông có hơn 5000 hộ dân thì hiện nay có gần 100 lò tráng bánh bằng tay và hơn 50 lò tráng bánh bằng máy. Sự cạnh tranh khốc liệt đang thu hẹp dần những lò tráng bánh thủ công. Ông Thắng – một người gắn bó với nghề suốt 30 năm, cả gia đình ông đã sống bằng nghề làm bánh nhưng hiện nay chỉ còn lại ông và cô em gái còn tiếp tục. Ông cười buồn chia sẻ: "cả xóm này hồi trước làm bánh, bây giờ mỗi người một nghề, chị Thủy ra bán cà phê, bà Ba thì bán hủ tíu xi quách, mấy anh họ tui thì đi chạy xe hoặc mở tiệm sửa xe…". Một nỗi luyến tiếc thoáng qua trên khuôn mặt ông "nhiều người muốn quay lại với nghề nhưng không có vốn, lại không có mối bán" – ông nói tiếp. Muốn tiếp tục với nghề họ phải có vốn để đầu tư nhà xưởng, sân phơi, máy móc, trị giá mấy trăm triệu, đó là con số không hề nhỏ với những người dân quê. Họ chấp nhận từ bò nghề làm bánh để chuyển sang những nghề khác "dễ thở" hơn. Trước đây, Hội nông dân xã và UBND xã Phú Hòa Đông đã tạo điều kiện cho bà con vay 3 triệu/ hộ để gìn giữ nghề truyền thống, nhưng trên thực tế thì với một số vốn như vậy thì không thể giải quyết được.

Mặt khác, những người trẻ của làng nghề không còn mặn mà với nghề truyền thống. Vì vậy, những người làm công cho các cơ sở không phải là dân địa phương mà là người từ các tỉnh xa tới. "Những ngày bánh tráng ế ẩm công nhân ở đây cũng đói, vì ăn theo sản phẩm nên ngày nào trời nắng, ráo, có đơn hàng đều thì còn được chút chứ trong mùa mưa như thế này thì rảnh suốt, không có lương gì cả" – Một người dân nơi đây cho biết.

Bấp bênh theo thị trường 

Cách đây khoảng hơn 5 năm, những người làm bánh tráng tại Phú Hòa Đông thường nhập bánh cho các mối quen là thương lái, các cơ sở thu mua trong xã. Mỗi ngày làng nghề có thể cho xuất lò hàng chục ngàn tấn bánh, nhưng điều đáng nói là đầu ra không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cùng với biến động thị trường thế giới thời gian qua, đơn đặt hàng xuất khẩu cũng bị chững lại, các lò bánh hoạt động cầm chừng, các cơ sở thu mua gim hàng chờ ngày giá tăng trở lại. Hoạt động đình trệ như thế đã diễn ra suốt mấy năm trước.

Cơ sở xuất khẩu chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada chỉ còn xuất với số lượng ít, so với những năm trước thì đã giảm hơn nửa. Một cơ sở thu mua khác cho biết khách hàng bên Pháp ngày càng khó tính, họ còn chê bánh không vệ sinh vì bánh tráng ở đây phơi chứ không có máy sấy như dưới Vĩnh Long. Dì Năm – một người xuất bánh sang Pháp từ năm 1985 cũng phải kêu vì dạo này sau đợt dịch Covid – 19 thì rất khó xuất hàng: "cơ sở của tôi bây giờ mỗi tháng chỉ xuất được 70 tấn so với trước kia thì đã giảm hơn nửa rồi, mình cũng không dám tăng giá bán vì sợ người ta chuyển qua làm ăn với cơ sở khác, mình giữ mối để làm ăn lâu dài nữa mà".

Các cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông cũng đã và đang tiếp tục tìm đường ra cho bánh tráng bằng cách tiếp thị, kết nối với các siêu thị, đại lý như Sài Gòn Co.op, Satra, Vinmart nhưng thị trường đang gặp bất ổn, bởi sức tiêu thụ bánh tráng hiện nay tại các siêu thị cũng giảm số lượng, siêu thị Co.opMart đã giảm 60%, Satra và các cửa hàng khác cũng lấy hàng cầm chừng vì sợ ế. Những hộ làm bánh tráng truyền thống chủ yếu dựa vào các mối chợ, lái buôn, những người giữ được mối thì tiếp tục làm còn để mất mối thì phải quay lại làm nông hoặc làm công nhân.

Xây dựng thương hiệu OCOP tạo hướng đi đột phá 

Làng nghề truyền thống bánh tráng Phú Hòa Đông được TPHCM lựa chọn để tham gia Chương trình OCOP. Để hỗ trợ các hộ làm bánh tráng, Hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông là nơi cung cấp xuyên suốt sản phẩm bánh tráng cho Saigon Co.op trong thời gian qua, sản phẩm của HTX phần lớn được làm ra để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Riêng thị trường bán lẻ nội địa, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 15 tấn sản phẩm.

Do cải tiến công nghệ nhào bột, tráng bánh, cắt bánh và sấy bành nên năng suất mỗi lò giờ cũng sản xuất mỗi ngày làm ra 40 tấn bánh, trong đó hai phần ba sản lượng được xuất khẩu. Làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động trong toàn huyện với thu nhập cao gấp ba lần so với  lao động phổ thông.

Làng nghề truyền thống như làng nghề bánh tráng ở Phú Hòa Đông không chỉ là bản sắc vùng mà còn là một mũi nhọn kinh tế giúp người dân làm giàu. Nhưng để giữ gìn một làng nghề trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay không phải dễ dàng, cần có sự chung tay góp sức, liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ sản xuất và sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền. 

Nhật Thăng
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.