Nỗi lo vỡ “bong bóng AI” lan rộng
Một câu hỏi lớn hình thành trong tâm trí của các nhà đầu tư Phố Wall sau kết quả báo cáo thu nhập vừa qua: "Khi nào các nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận từ trí tuệ nhân tạo?".
Đã 18 tháng kể từ khi ChatGPT khởi động cuộc chạy đua về AI, các "gã khổng lồ" công nghệ đã thúc đẩy kỳ vọng về việc công nghệ này sẽ cách mạng hóa mọi lĩnh vực và sử dụng nó làm đòn bẩy để chi hàng chục tỷ USD xây dựng các trung tâm dữ liệu và chất bán dẫn cần thiết để chạy các mô hình AI lớn.
Song so với viễn tưởng to lớn đó, các sản phẩm do các hãng công nghệ tung ra cho đến nay dường như hơi "tầm thường", bởi con đường kiếm lợi nhuận từ chatbot mờ mịt, các biện pháp tiết kiệm chi phí như mã hóa AI và dịch vụ khách hàng và tìm kiếm hỗ trợ AI đôi khi làm mọi thứ trở nên phức tạp.
Hiệu quả đầu tư mà các "Big Tech" thể hiện vẫn chưa đủ thuyết phục khi đối chiếu với chi phí đầu tư và doanh thu từ AI. Thực tế này khiến các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng.
Chẳng hạn, thu nhập và triển vọng kém ấn tượng của Amazon (AMZN) làm dấy lên mối lo ngại họ đang chi quá nhiều cho AI mà không thu được nhiều thành quả vào thời điểm mà hoạt động kinh doanh cốt lõi đang gặp phải những rào cản. Điều đó đã kéo cổ phiếu hãng này giảm gần 9% trong tuần đầu tháng 8.
Trong khi đó, cổ phiếu của Intel (INTC) cũng giảm 25% sau khi công ty công bố khoản chi lớn nhằm thích ứng với làn sóng AI, dẫn đến việc hãng này phải cắt giảm 10 tỷ USD chi phí cho các danh mục khác và sa thải hàng chục nghìn công nhân.
Nỗi lo ngại của các nhà đầu tư nằm gọn trong một câu hỏi: "Tham vọng và công sức bỏ ra có tương xứng?".
Như nhà phân tích Keith Weiss của Morgan Stanley nhận định: "Hiện tại, một cuộc tranh luận đang nổi lên xung quanh các vấn đề về vốn đầu tư vào AI và khả năng tạo ra lợi nhuận từ nó". Cùng quan điểm, nhà phân tích Steven Ju của UBS đã chia sẻ nỗi băn khoăn với CEO Google Sundar Pichai: "Sẽ mất bao lâu để AI giúp tạo ra doanh thu và tạo ra giá trị lớn hơn?".
Một báo cáo của Goldman Sachs hồi đầu tháng 8 đã đặt câu hỏi liệu ngành công nghệ có đang "chi quá nhiều mà thu quá ít" vào AI hay không?
Cổ phiếu của cả Google và Microsoft đều giảm sau báo cáo doanh thu quý vừa qua, một dấu hiệu cho thấy về thực tế khoản đầu tư AI khổng lồ không mang lại kết quả so với mong đợi. Meta cũng trải qua sự thất vọng tương tự trong quý trước.
Một số nhà đầu tư thậm chí còn dự đoán đây sẽ là quý kinh doanh mà các công ty công nghệ lớn bắt đầu rút đầu tư khỏi cơ sở hạ tầng AI của mình vì "AI không mang lại lợi nhuận như họ mong đợi".
Thế nhưng, Google, Microsoft và Meta vẫn đang dũng cảm bước tiếp khi có kế hoạch chi nhiều hơn nữa đối với việc đặt nền móng cho những kỳ vọng trong tương lai của AI. Meta cho biết, hiện tại họ đang đánh một canh bạc với khoản đầu tư cả năm dự kiến khoảng từ 37 đến 40 tỷ USD cho AI. Microsoft cũng dự kiến sẽ chi nhiều hơn trong năm tài chính 2025 so với 56 tỷ USD chi tiêu cho AI từ năm 2024. Google dự kiến chi hơn 12 tỷ USD mỗi quý.
Sau tất cả, các gã không lồ công nghệ cho rằng "họ cần nhiều thời gian hơn" để nhìn thấy hiệu quả lợi nhuận do AI tạo ra.
Giám đốc tài chính của Microsoft Amy Hood cho biết, các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu của họ dự kiến sẽ hỗ trợ việc kiếm tiền từ công nghệ AI "trong 15 năm tới và hơn thế nữa".
Tương tự, Meta dự đoán "lợi nhuận từ AI tạo ra sẽ đến trong một khoảng thời gian dài hơn. "AI thế hệ mới vẫn đang ở giai đoạn sớm. Chúng tôi biết các sản phẩm AI thế hệ mới của mình chưa thể tạo ra doanh thu vào năm 2024. Nhưng chúng tôi kỳ vọng chúng sẽ mở ra những cơ hội doanh thu mới theo thời gian, cho phép tạo ra lợi nhuận vững chắc từ khoản đầu tư của mình", nhà lãnh đạo Meta tuyên bố.
Thực tế cho thấy, các trung tâm dữ liệu cần thời gian để xây dựng, không công ty nào muốn bỏ lỡ cơ hội vươn lên dẫn đầu chỉ vì họ không có đủ năng lực tính toán. Và họ đang kiếm đủ tiền từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình để có đủ khả năng đầu tư cho AI.
An Mai (Theo CNN)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.