Nói lý, hát lý – Di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của người Cư Tu

Văn hóa
11:07 AM 01/06/2021

Cư ngụ dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) sở hữu kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú gồm: Không gian văn hóa làng, các phong tục tập quán, múa Tâng tung za zá, kiến trúc Gươl, dệt thổ cẩm...

Nói lý, hát lý – Di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của người Cư Tu - Ảnh 1.

Người Cơ Tu trong một đêm nói lý, hát lý

Nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng, tài sản vô giá, nền tảng tinh thần của cộng đồng. Nói lý, hát lý đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Nói lý, hát lý là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Hoạt động này thường diễn ra trong những lần tổ chức đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em hay hát khóc người chết...

Nói lý, hát lý được xem là nghệ thuật so tài cao thấp giữa những người cao tuổi trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách, có khi được dùng để trao đổi, bàn bạc, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ, dòng tộc, bản làng... buộc đối tượng nghe phải thừa nhận cái phải, cái đúng và nghe theo.

Câu nói lý - hát lý của người Cơ Tu rất đa dạng về ngôn từ. Người ta sử dụng nhiều hình ảnh lạ, sâu kín tạo một sự ẩn ý khá độc đáo, yêu cầu người nghe phải động não suy nghĩ. Trong hát lý, người ta lại thường nói ngầm (nếu muốn trách móc người nào đó) một cách sắc bén, kín đáo, nhẹ nhàng. Một cái hay nữa trong nói lý - hát lý là người Cơ Tu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa hay gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau mà ngược lại tăng thêm sự đoàn kết, hiểu nhau hơn.

Nói lý, hát lý là giữ được giá trị đạo lý của dân tộc

Nói lý, hát lý – Di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của người Cư Tu - Ảnh 2.

Lễ hội truyền thống người Cơ Tu

Đám cưới là dịp người Cơ Tu thường sử dụng nghệ thuật nói lý - hát lý. Sau khi đón khách xong, chủ nhà (thường là nhà trai) chuẩn bị mâm tiệc đón khách hoặc đón chào các bậc cao niên. Đại diện chủ nhà thường là những người có uy tín, kinh nghiệm, có trình độ ứng khẩu tốt khởi xướng đầu tiên (pay h'la, tức "tuyên bố lý do"). Thường thì chủ nhà nói rất khiêm tốn trong việc tiếp đãi tiệc tùng... Hát lý bao giờ cũng sau nói lý nhằm nâng cao giá trị, bổ sung cho nói lý.

Mở đầu buổi nói lý, hát lý, người đại diện, thường là các cụ già có uy tín, kinh nghiệm sẽ ứng khẩu với những lời lẽ rất khiêm tốn, rằng khách quý đến nhà chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong rằng khách đừng chê tấm lòng của chúng tôi...

Nghe xong, khách cũng đáp lời cảm ơn chủ nhà đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, mồi ngon, rượu quý, khách không biết lấy gì đền đáp tấm thịnh tình của chủ. Rượu rót mời nhau theo thứ bậc, vừa uống vừa nói chuyện về mùa màng, săn bắn, chuyện rừng chuyện rẫy....

Trong nói lý, hát lý, ngôn ngữ được sử dụng rất khéo léo bằng lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ; lấy sự vật hiện tượng để biểu đạt suy nghĩ, ý định của mình. Đồng thời, mở đường cho phía khách đáp lại. Nó thể hiện trình độ hiểu biết, ý tứ sâu sắc và tài ứng khẩu của nghệ nhân.

Nói lý, hát lý là cuộc so tài đọ trí

Điều thú vị của nghệ thuật nói lý, hát lý là ở chỗ, nói lý, hát lý là cuộc so tài về văn nghệ giữa hai bên, là cuộc đấu khẩu lý lẽ. Vì vậy, hai bên đều âm thầm sắp xếp lực lượng, ai hát trước, ai hát sau, ai kết thúc. Bên này hát một câu, bên kia hát đáp lại một câu, bà con cùng nhau bàn uận, trao đổi ý nghĩa câu hát. Mỗi người chỉ hát một câu, nhưng lời hát điêu luyện. Hình ảnh vừa đẹp, vừa mới, ý tứ sâu xa, tóm tắt được ý kiến của mọi người.

Nói lý, hát lý – Di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của người Cư Tu - Ảnh 3.

Lễ hội người Cơ Tu

Cái khó của nói lý, hát lý là không có bài mẫu chung để học hát, học nói. Các làn điệu làm nên âm hưởng cho hát lý là ka lơi, cha chấp, rơah, kalâu-kalênh và điệu nơơi. Muốn nói lý, hát lý hay, sâu sắc, ngoài việc ăn nói lưu loát, nhanh trí tìm ra vần, biết lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng điệu, thì điều cơ bản là phải hiểu cho rành rọt xã hội và con người ở vùng đất đó. Cái hay nhất của nói lý, hát lý chính là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc với những hình ảnh  ví von. Vì thế ngôn từ của nói lý, hát lý luôn ẩn ý. Nói tên một con suối phải biết đó là con suối cát hay đá, nước trong hay đục, sâu hay cạn, có nước bốn mùa hay chỉ có trong mùa mưa. Biết tường tận như vậy thì khi nghe người hát nêu tên con suối là biết ngay họ nói đến cái tốt, cái trong sạch, cái bền bỉ thủy chung; hay cái xấu, cái dơ bẩn, cái không ổn định.

Hầu hết đồng bào Cơ Tu đều biết nói lý, hát lý từ lúc gùi được nước uống, biết cầm cán rựa, con dao làm rẫy. Nhưng nói lý, hát lý sâu xa, nhiều tầng, nhiều lớp, để đả thông tư tưởng, giải quyết được công việc thì mỗi bản, mỗi thôn chỉ có một vài người. Nói lý, hát lý xem ra đã khó, nhưng hiểu được nói lý, hát lý còn khó hơn.

Ngày nay, trong sinh hoạt lễ hội, giải quyết công việc trong nội bộ cộng đồng, người Cơ Tu vẫn không thể thiếu nói lý, hát lý. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, mọi người tụ tập để nghe già làng kể chuyện và tâm tình qua lại bằng lời hát lý thấm đẫm tình người. Đây là nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo, có một không hai mà đồng bào dân tộc Cơ Tu vô cùng tự hào và luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn.

Minh Hoàng
Ý kiến của bạn
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức khai trương vào ngày 9/5 Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức khai trương vào ngày 9/5

Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được khai trương vào chiều 9/5, tại Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số TP Hà Nội (số 17 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).