Nới room tín dụng giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng
Việc các ngân hàng được nới room tín dụng không chỉ giúp các nhà băng có dự địa tăng trưởng, mà doanh nghiệp và người dân cũng có nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong báo cáo triển vọng ngành, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhiều ngân hàng đã được cấp thêm chỉ tiêu hạn mức (room) tín dụng trong quý IV/2021, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Theo đó, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó.
3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).
Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngân hàng, bởi trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, thì nhiều nhà băng chạm trần sẽ không thể tiếp tục cho vay, không chỉ ngân hàng bị ảnh hưởng lợi nhuận mà chính người dân và doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, nếu không được cấp thêm hạn mức thì tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021, còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.
Nhận định về việc các ngân hàng được nới room tín dụng, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong 3 quý đầu năm nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp.
Trong đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu tác động bởi dịch COVID-19 lần thứ 4. Về khía cạnh tăng trưởng cho vay, với việc tốc độ triển khai tiêm vắc xin diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, do vậy nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
Có nghĩa với việc được nới room tín dụng trong thời điểm hiện nay, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội cho vay mới và các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây hướng mạnh vào duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi nền kinh tế trở lại.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, việc nới room sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng.
Nhóm này cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%. Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong Thông tư 08/2020-NHNN.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù tỷ lệ này không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nên việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3-4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5% đối với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5-7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc nới room tín dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, nợ xấu của nhà băng. Song theo Agriseco, dù nợ xấu có thể gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
"Rủi ro nợ xấu mặc dù hiện hữu nhưng không quá lo ngại do các ngân hàng đã đẩy mạnh chủ động trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục đồng thời thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu. Một số ngân hàng có tỷ lệ tài sản đảm bảo/tổng dư nợ cao có thể kể tới như: VCB (168,7%) , TCB (200%), ACB (gần 200%),..", Agriseco Research đánh giá.
Trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu. Bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III.
Nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng và thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu khi các thông tin cụ thể được công bố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần phải kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng của các tổ chức đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
An MaiTrong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...