Nỗi sợ làn sóng Covid-19 thứ hai 'làm nóng' cuộc đua tìm vaccine
Trong bối cảnh những lo ngại về một làn sóng Covid-19 thứ hai đang gia tăng, cuộc chạy đua tìm kiếm một loại vaccine lại càng căng thẳng hơn.
Kể từ khi Covid-19 khởi phát, nhiều hãng dược và cả chính phủ Trung Quốc ráo riết chạy đua để
tìm cách ngăn ngừa và điều trị hiệu quả. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Ít nhất 27 ca nhiễm mới được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào ngày 16/6 sau đợt bùng phát tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á.
Kể từ khi phát hiện ổ dịch mới vào hôm 12/6, Bắc Kinh đã ghi nhận tới 137 người nhiễm Covid-19, khoảng 30 quận huyện hiện đang trong tình trạng cách ly, hàng chục nghìn người phải xét nghiệm.
Hơn 100 “ứng cử viên vaccine”
Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đã khởi động các cuộc thử nghiệm lâm sàng với 300 người trong độ tuổi từ 18 đến 70. Có thể có khoảng 6.000 tình nguyện viên sau đó sẽ tham gia vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai trong năm nay nếu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ghi nhận “phản ứng cơ thể tích cực” từ những người được thử nghiệm.
Giáo sư Robim Shattock thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London nhận định: “Trên quan điểm khoa học, các công nghệ mới sẽ tạo điều kiện cho chúng ta có khả năng xúc tiến việc tìm ra một loại vaccine tiềm năng với một tốc độ chưa từng có”.
Ông Robim Shattock nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu có khả năng sản xuất một loại vaccine từ vạch xuất phát và đưa nó vào các cuộc thử nghiệm trên con người chỉ trong vòng vài tháng – điều chưa từng xảy ra trước đây với loại vaccine này.
“Nếu phương pháp của chúng tôi tỏ ra tích cực và vaccine tạo ra một sự bảo vệ hiệu quả trước căn bệnh truyền nhiễm này, thì đó sẽ là một cuộc cách mạng trong cách ứng phó với các dịch bệnh bùng phát trong tương lai”, ông nói.
Theo Tạp chí khoa học Nature, hiện đã có hơn 100 “ứng cử viên vaccine” đang được phát triển trên khắp thế giới.
Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Anh-Thụy Điển AstraZeneca đang hợp tác với Đại học Oxford (Anh) để phát triển một trong những vaccine như vậy. Cuối tuần trước, tập đoàn này đã thông báo đồng ý cung cấp tới 400 triệu liều vaccine tiềm năng này cho Đức, Italy và Hà Lan “từ nay đến cuối năm 2020”.
Những thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết với Anh và Mỹ ngay cả khi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba phát triển vaccine vẫn đang trong quá trình xúc tiến.
Trong một tuyên bố, Tập đoàn này cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng loại vaccine này có thể sẽ không hiệu quả nhưng AstraZeneca vẫn đang tận tụy với chương trình thử nghiệm lâm sàng với tốc độ cao và tăng tốc hoạt động điều chế”.
AstraZeneca thông tin trên trang web của mình rằng “Tập đoàn đang nhanh chóng chuyển sang thử nghiệm các loại thuốc mới và đang có sẵn để điều trị bệnh dịch”.
Moderna là một cái tên quan trọng khác đang tiến gần tới giai đoạn xúc tiến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba. Công ty công nghệ sinh học Mỹ này chuyên về phát triển các loại thuốc và đã thúc đẩy một mối quan hệ đối tác thân thiết với Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Hứa hẹn từ vaccine Trung Quốc
Tại Trung Quốc, các cuộc thử nghiệm trên người cũng đã được khởi động. Dẫn đầu là ba hợp tác quan trọng của Viện Kiểm soát thực phẩm và thuốc men quốc gia với Hãng công nghệ sinh học Sinovac; Viện nghiên cứu các sản phẩm sinh học Vũ Hán với Viện Virus học; và Viện Hàn lâm Khoa học Quân y Trung Quốc với Hãng Cansino.
Tuy nhiên, sự bùng phát hàng loạt ca nhiễm tại Bắc Kinh đã chứng tỏ rằng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 vẫn sẽ tiếp tục hoành hành, trừ khi có một loại vaccine được tìm ra.
Từ Hòa Kiện, Chủ nhiệm Văn phòng thông tin của thành phố Bắc Kinh, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/6: “Tình hình dịch bệnh đang cực kỳ nghiêm trọng”.
Những lo ngại này cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Tổ chức này đặc biệt nhấn mạnh đến quy mô dân số 21 triệu người và “sự tương tác trong thành phố” này.
Trong một động thái nhằm kiềm chế sự lây lan, Tân Hoa Xã đưa tin mỗi ngày có 90.000 người được xét nghiệm. Giới chức Trung Quốc cũng đẩy mạnh các kế hoạch rà soát những người đã rời khỏi Bắc Kinh để đến các khu vực khác trong nước.
Tờ Global Times trong một bài xã luận đã ra lời kêu gọi “người dân duy trì sự bình tĩnh”. Báo trên nêu rõ: “Bắc Kinh không phải một Vũ Hán 2.0. Bắc Kinh đã tích lũy được những kinh nghiệm chống virus trong những tháng vừa qua. Thành phố cũng có kinh nghiệm trong đợt phòng chống dịch SARS cách đây 17 năm. Vì vậy trong đợt bùng phát này, thành phố đã phản ứng nhanh chóng và xúc tiến các biện pháp phòng ngừa trên khắp các khu vực quan trọng”.
Do các cơ chế kiểm soát và phòng ngừa, không có khả năng dịch bệnh ở Bắc Kinh sẽ lây lan sang các khu vực khác của đất nước với quy mô lớn. Dù là người dân Bắc Kinh hay các nơi khác, người dân đều phải giữ bình tĩnh, hợp tác trong cuộc chiến mới nhất chống virus.
Tờ Global Times nhận định, sự bình tĩnh này có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực phục hồi kinh tế đất nước. “Cần phải chấp nhận thực tế rằng dịch bệnh sẽ tái phát tại Trung Quốc, và điều chúng ta nên làm là chiến đấu với virus theo một cách khoa học. Cho đến nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và lây lan cho hơn 8 triệu dân trên khắp thế giới. Và rốt cuộc, phương thuốc duy nhất để giải tỏa những căng thẳng và đẩy lùi những đợt bùng phát mới vẫn sẽ là một loại vaccine”, tờ này bình luận.
Bích NgọcNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".