Nón lá làng Chuông

Địa phương
09:11 AM 05/08/2022

Làng Chuông là một làng nghề thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng với truyền thống làm nghề nón lâu đời. Nơi mà mỗi du khách khi đến đây đều mong muốn sở hữu chiếc nón lá xinh xắn, bền đẹp về làm quà.

Làng Chuông có hai lối tiếp cận chính là từ đê sông Đáy phía Tây ranh giới làng và quốc lộ 21B phía Đông ranh giới làng. Con đê sông Đáy chạy qua làng một tuyến đường dân sinh quan trọng và đồng thời cũng có chức năng là chợ của một vùng rộng lớn không chỉ dành riêng cho làng Chuông mà còn có sự tham gia của một số xã xung quanh như Văn La, Kim Thư, Cao Dương. Con đê làng cũng là nơi bà con làm nghề nón lá thường phơi lá lụi ở công đoạn xử lý nguyên liệu. Với vị trí địa lý như trên, xã Phương Trung có điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường và công nghệ kỹ thuật tiên tiến để phát triển kinh tế với tốc độ cao.

Nón lá làng Chuông - Ảnh 1.

Nghề làm nón quai thao truyền thống ở nhà nghệ nhân Phạm Trần Canh (thôn Quang Trung)

Trước thế kỷ 20, những sản phẩm nón lá truyền thống của làng Chuông là nón ba vòng. Đấy là loại nón gần giống nón quai thao nhưng có ba vòng đấu, có thành tương đối nông. Nón có kích thuớc to và dành cho người nông dân làm đồng nên không được khâu kỹ. Nón thứ hai là nón thúng (quai thao) có vành rất rộng, hai bên buộc thao dành cho các cụ già đội đi chùa.

Một loại nón cổ truyền khác của làng Chuông chính là nón lá già ghép sống. Đây là loại nón có từ rất lâu cùng thời với chiếc nón quai thao. Nón có ba vòng đấu, làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rứa đen. Loại nón này rất chắc chắn nên có thể dãi dầu mưa nắng cùng người trên đồng với rất nhiều công dụng khác nhau.

Đặc trưng của chiếc nón quai thao với vẻ đẹp độc đáo, quai nón màu hồng, được gắn thêm 2 chùm dây tua chỉ sợi tơ, nhuộm màu vàng đỏ, dành riêng cho thiếu nữ làng quê đi Hội xuân, Hội làng, hát chèo và hát quan họ...

Dân làng Chuông rất giỏi làm nón quai thao, chiếc nón độc đáo đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người làm nón quai thao phải tỷ mỉ, khéo tay và có nhiều kinh nghiệm vì phải thực hiện nhiều khâu như: chọn, xếp, khâu lá vào vòng nón, khâu mũ nón trong vòng nón, thêu chỉ màu trang trí vành nón. Để có một chiếc nón quai thao đẹp có khi người thợ phải làm đến cả ngày.

Nón lá làng Chuông - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài rất thích những chiếc nón làng Chuông

Từ người già cho đến trẻ em, họ tranh thủ những lúc nông nhàn để làm. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Người làng Chuông cho biết, để có nguyên liệu cho một chiếc nón, người ta phải chọn lá búp trắng của cây cọ mua từ Phú Thọ, lá nội mua từ Hà Tĩnh, vòng nón bằng mây tre cũng phải mua từ những nơi khác...

Nón quai thao không chỉ được nhiều đoàn nghệ thuật đặt mua, mà còn là một vật lưu niệm được du khách nước ngoài ưa thích. Nhiều du khách đến từ Đức, Pháp, Anh... khi đến làng Chuông đều không thể không mua món quà lưu niệm độc đáo này, bởi theo họ, nón là một trong những nét đẹp, hình ảnh đặc trưng của người con gái Việt Nam. Vì thế, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ nhu cầu của du khách.

Có thời gian thị trường tiêu thụ nón lá truyền thống sa sút, tuy nhiên bằng nhiều nỗ lực trong cách nghiên cứu thị trường, một số hộ gia đình nhận được những đơn đặt hàng sản xuất những mặt hàng liên quan đến làm nón, có sử dụng kiến thức và tay nghề sẵn có của người làm nón ở làng. Nên làng Chuông nay vừa sản xuất, vừa cung cấp sản phẩm nón, lá phù hợp với thị hiếu, nhu cầu trang trí nên họ đã chế tác, sáng tạo ra nhiều mẫu mã, loại sản phẩm từ tre, nứa, lá nón quai thao, nón lụa nhiều màu, nón lưu niệm các kích cỡ, màu sắc, trang trí nội thất, đèn lồng dạng nón, treo tường ở nhà hàng, quán giải khát, đồ đạc nội thất như bàn trà… và trang trí đường phố như trang trí cảnh quan các khu phố đi bộ ở Hà Nội.

Hà Loan
Ý kiến của bạn