Nóng: Đại gia logistics DHL vừa "khai tử" mảng dịch vụ TMĐT sau 4 năm đua tranh khốc liệt ở Việt Nam
Theo thông tin từ ‘gã khổng lồ’ DHL, họ sẽ chính thức đóng mảng dịch vụ B2B dành riêng cho ngành thương mại điện tử ở Việt Nam - DHL eCommerce vào tháng 11/2021. DHL eCommerce ra đời vào tháng 7/2017 và chỉ sau hơn 4 năm hoạt động, có lẽ do không chịu được ‘nhiệt’ của thị trường cũng như không thu lại kết quả kinh doanh như mong muốn, DHL đành phải nói lời từ biệt.
"DHL eCommerce Solutions thường xuyên xem xét lại môi trường kinh doanh cũng như hoạt động vận hành của mình. Tại thời điểm này, chúng tôi đã đưa ra quyết định là sẽ ngừng cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu kiện trong nội địa Việt Nam của DHL eCommerce Solutions.
Khách hàng sẽ được chúng tôi tiếp tục phục vụ trong suốt thời gian thông báo của tất cả các hợp đồng cho đến hết cuối tháng 11/2021. Quyết định này chắc chắn không thể hiện sự xem nhẹ của chúng tôi đối với thị trường Việt Nam. Việt Nam vẫn là một thị trường quan trọng đối với DHL.
Tất cả nhân viên liên quan đã được thông báo về tình hình và chúng tôi đang huy động mọi nỗ lực để hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi công việc. Các bộ phận khác của chúng tôi – như DHL Express, DHL Global Forwarding và DHL Supply Chain sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam", thông báo mới nhất của Tập đoàn DHL về số phận của mảng dịch vụ dành cho TMĐT tại thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, với những ai quan tâm theo dõi DHL eCommerce Solutions sẽ không ngạc nhiên với thông tin này. Chỉ dấu rõ nhất là trên fanpage FB của mảng này, khi họ không có bất cứ cập nhật gì từ tháng 8/2021. Cập nhất gần nhất trên fanpage là thông báo về việc ngừng dịch vụ của họ tại một số thành phố sau khi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-18 ngày càng lên cao hơn bao giờ hết.
Status gần nhất trên fanpage của DHL eCommerce là vào 24/8.
Vậy là DHL eCommerce đã chính thức rời ‘cuộc chơi’ ở thị trường Việt Nam. Có lẽ, sau hơn 4 năm hoạt động, do không chịu được ‘nhiệt’ của thị trường cạnh tranh khốc liệt của mảng logistic dành cho TMĐT tại Việt Nam cũng như không thu lại kết quả kinh doanh như mong muốn, DHL eCommerce đành phải nói lời từ biệt.
Tập đoàn DHL chính thức ra mắt dịch vụ vận chuyển B2B dành cho mảng thương mại điện tử Việt Nam vào tháng 7/2017.
"Chúng tôi phải tính toán thời điểm đầu tư dựa trên nhiều yếu tố. Mặt khác, thị trường giao nhận hàng thương mại điện tử ở Việt Nam hiện mới ở trong giai đoạn đầu. Tốc độ tăng trưởng của thị trường dự báo khoảng 23%/năm và để trở thành công ty hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của DHL phải cao hơn.
Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của một số đối tác tại Việt Nam, song quan điểm của DHL là tự mình phát triển dịch vụ, chứ không liên doanh hay mua lại công ty nào", ông Charles Brewer - CEO của DHL eCommerce Việt Nam tiết lộ ở thời điểm ra mắt.
Đến tháng 6/2018, DHL Việt Nam tiếp tục ra mắt dịch vụ vận chuyển DHL Parcel Metro Same Day tại hai TP. HCM và Hà Nội, để bổ trợ cho DHL eCommerce.
Dịch vụ DHL Parcel Metro Same Day được thêm vào nhóm các dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa, sẽ tận dụng nguồn lực giao hàng sẵn có của DHL bao gồm đội xe tải, xe máy, các tuyến vận chuyển hàng không và đường bộ kết nối các trạm trung chuyển, để chuyển phát tại TP. HCM, Hà Nội và những thị trường chính khác.
Cùng với mạng lưới hơn 250 điểm dịch vụ, DHL eCommerce cung cấp các địa điểm nhận hàng - trả hàng thuận lợi cho người bán và người mua trên khắp cả nước.
Một bưu cục của DHL eCommerce khai trương vào tháng 7/2020.
"Chúng tôi có các mục tiêu cụ thể cho từng năm sắp tới, tuy nhiên không thể tiết lộ cho bạn con số chính xác, chỉ có thể nói là chúng tôi đặt mục tiêu rất cao. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là mục tiêu về thị phần mà là chất lượng dịch vụ và giá cả hợp lý, cái đó mới là quan tâm chính của DHL.
Chúng tôi luôn muốn mang lại những trải nghiệm tốt cho khách hàng, cũng như các trải nghiệm xuất sắc về chất lượng phục vụ trong tất cả những dịch vụ của mình. Parcel Metro chỉ là một dịch vụ trong chuỗi hệ sinh thái phong phú của chúng tôi.
Tôi sẽ không bình luận về chuyện các đối thủ cạnh tranh trên thị trường đang cung cấp dịch vụ như thế nào. Theo quan điểm của tôi, càng cạnh tranh càng tốt cho thị trường. Thứ nhất, do có cạnh tranh, các công ty buộc phải hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai, do cạnh tranh, nên chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn cho người bán lẫn người mua.
Việc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất lớn. Thị trường Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội lớn về mở rộng - tăng trưởng cho các doanh nghiệp logistics và mảng thương mại điện tử.
Chúng tôi không hề quá lo lắng khi tham gia vào một thị trường cạnh tranh khốc liệt như ở Việt Nam bởi DHL có những ưu thế của một tập đoàn lớn hoạt động trên khắp thế giới cũng như có vị thế rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ phát huy nền tảng công nghệ thông, tận dụng cơ sở vật chất cũng như là mạng lưới dịch vụ sẵn có, để có thể hoạt động tốt ở thị trường này.
DHL muốn tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng của thị trường, đồng thời tác động ngược trở lại giúp cho ngành thương mại điện tử phát triển được nhanh hơn nữa", ông Thomas Harris, Cựu Tổng giám đốc điều hành DHL eCommerve Việt Nam, từng chia sẻ trong dịp ra mắt DHL Parcel Metro Same Day.
Trong giai đoạn cao trào đại dịch vừa qua, do lệnh giãn cách và sau đó là lock-down, thị trường logistic B2B cho mảng TMĐT ở Việt Nam trở nên hỗn loạn và khá nhiều doanh nghiệp trong ngành cảm thấy ‘nản lòng thoái chí’. Chỉ không ngờ, người quyết định rời cuộc chơi luôn lại là ‘gã khổng lồ’ DHL eCommerce.
Quỳnh NhưNgày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức "Diễn đàn dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".