Nông dân Thanh Hóa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Địa phương
01:11 PM 19/07/2024

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, để nông nghiệp Thanh Hóa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của ngành, việc ứng dụng CNC vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân, HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp thông minh gắn với phát triển sản phẩm chủ lực nhằm gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm sát sao.

Tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Nông dân Thanh Hóa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 1.

Vườn dưa Kim Hoàng Hậu - thị trấn Vạn Hà được trồng đúng kỹ thuật, cho năng suất cao

Thực hiện Kế hoạch 260, ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã hình thành 75 nghìn ha vùng sản xuất lúa gạo, 18 nghìn ha vùng cây ăn quả tập trung, vùng ngô 20 nghìn ha, vùng rau 14,3 nghìn ha gieo trồng/năm, vùng mía nguyên liệu 16,5 nghìn ha, vùng cây gai xanh 6,5 nghìn ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã tích tụ được trên 4.000 ha ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, đạt 66% kế hoạch năm. Hiện tại, có hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp CNC, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, diện tích liên kết sản xuất công nghệ cao ngày càng tăng.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao là 4.100ha, trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000ha trở lên, giá trị đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 49.700ha, giá trị từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 210ha, giá trị sản xuất đạt từ 3 tỷ đồng/ha/năm trở lên. Diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 490ha, giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/ha/năm trở lên... Đóng góp một tỷ lệ quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp 6 tháng năm 2024 đạt 3,4%.

Nông dân Thanh Hóa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 2.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra khu nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Yến, Hoằng Hóa.

Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp CNC người dân thu được trên đơn vị diện tích đạt 120 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt từ 300 đến hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điển hình, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà lưới có mái che, ứng dụng công nghệ cao được người dân trong tỉnh áp dụng rộng rãi. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 930ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất 20 - 35 tấn/ha/vụ, nuôi 3 - 4 vụ/năm, cho lợi nhuận 300 - 600 triệu đồng/ha/vụ. Sản lượng hàng năm toàn tỉnh đạt 11.300 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Mang lại năng suất cao hơn khoảng 16 lần so với nuôi tôm truyền thống.

Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, các doanh nghiệp, HTX và người dân đã đầu tư phát triển được hơn 200ha diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Trong đó, huyện Thọ Xuân có diện tích nhiều nhất tỉnh với 55,5ha, huyện Nga Sơn 35ha... Đa phần các mô hình được áp dụng quy trình sản xuất thông minh, hiện đại, có hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động... 

Nhiều mô hình cho doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận thu về 300 - 700 triệu đồng/ha/năm. Điển hình, mô hình sản xuất dưa vàng (luân canh 3 vụ dưa, 1 vụ hoa) đạt tổng giá trị thu nhập từ 3 - 3,5 tỷ đồng/1ha/năm, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa...

Nông dân Thanh Hóa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 3.

Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hoá

Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng 3-4 lần trở lên so với sản xuất một số cây trồng truyền thống.

Để đạt được kết quả đó, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, bảo vệ thực vật, kiểm tra chất lượng giống, phân bón, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; 

Liên kết sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi hình thức sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; khuyến khích người dân đầu tư ứng dụng trong xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, đảm bảo điều kiện và tạo cơ hội để nông sản của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, để thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người nông dân, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025 Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025

Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.