NÓNG: Điện một giá ai được lợi, ai chịu thiệt?
Trong cuộc họp chiều nay, Bộ Công Thương cho biết đang gấp rút xây dựng, sửa biểu giá điện bậc thang, bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình sửa đổi sẽ tính tới phương án điện một giá.
Phương án một giá sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang. Biểu giá hiện nay tác động nhiều nhất trong mấy tháng nắng nóng.
“Tuần sau sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối. Sắp tới chúng tôi sẽ lấy ý kiến lại lần nữa, ngoài phương án 5 bậc, đưa ra lấy ý kiến về phương án một giá để khách hàng lựa chọn, ai không thích bậc thang thì có thể chọn phương án một giá. Một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Theo ông Vượng, phương án một giá sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
“Không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này. Tính bình quân cho toàn xã hội thì phương án một giá sẽ được xây dựng cao hơn giá điện bình quân”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin.
Thứ trưởng Công Thương cho rằng, phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT, với phương án giá điện một giá thì giá điện sẽ không phải là 1.678 đồng/kWh như giá khởi điểm hiện tại mà ít nhất phải cao hơn 1.864,44 đồng/kWh mà theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay, 1.864,44 đồng một kWh.
Còn với phương án tính theo giá điện bậc thang thì sẽ rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc, trong đó bậc 1 là 1.678 đồng/kWh.
“Như vậy tôi dự đoán có đến 80% khách hàng sẽ vẫn chọn phương án giá điện bậc thang như hiện tại, trong đó dân nghèo, người có thu nhập thấp sẽ chọn phương án giá điện bậc thang, bởi với người dùng điện ít thì giá bậc thang có lợi hơn. Những người chọn giá điện một giá có lẽ hầu hết là người giàu, trung lưu, bởi với họ điện một giá có lợi hơn. Hoá ra các bạn đấu tranh cho điện một giá là các bạn đấu tranh cho người giàu”, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT chia sẻ trên trang cá nhân.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành, gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.
Với các phương án đưa ra, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Ở kịch bản này, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Trong các phương án đưa ra cũng có tính đến để đồng nhất 1 bậc. Đại diện Cục điều tiết điện lực cho rằng phương án 1 bậc có ưu điểm rõ ràng, đơn giản, giúp khách hàng dễ theo dõi.
Tuy nhiên, phương án này không được Bộ Công Thương lựa chọn bởi việc chia nhiều bậc để người sử dụng nhiều phải trả giá điện cao hơn, khuyến khích người dân tiết kiệm điện bởi đây là hàng hoá đặc biệt. Hầu hết các nước đều sử dụng giá điện bậc thang.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thời tiết nắng nóng, người dân phản ánh hoá đơn tiền điện tăng vọt thì phương án điện một giá tiếp tục được bàn luận tới.
Anh DuyTheo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.