Nông nghiệp sinh thái tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô

Kinh doanh
08:50 AM 10/07/2024

Phát triển nông nghiệp sinh thái là chủ trương đúng đắn của TP. Hà Nội, nhằm nâng cao giá trị của nông nghiệp và nông thôn, góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa của các địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra với tốc độ nhanh, kéo theo đó là sự thu hẹp quỹ đất dành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều lao động tại những khu vực nông thôn đã tìm ra cho mình hướng đi mới vừa tạo ra giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với định hướng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại.

Nông nghiệp sinh thái tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô- Ảnh 1.

Nông nghiệp sinh thái tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô. Ảnh: Báo Chính Phủ

Đến hết năm 2023 trên địa bàn Hà Nội có hơn 8.000ha chuyên canh hoa, cây cảnh tạo ra giá trị khoảng 7000 tỷ đồng. Hội Sinh vật cảnh của Hà Nội đã có trên 11.000 hội viên cùng số lao động làm nghề khoảng hơn 100.000 người. Nghề sản xuất, kinh doan hoa, cây cảnh đang góp phần hình thành nhiều vùng quê xanh ở ngoại thành Hà Nội và giúp nhiều hộ làm giàu, có điều kiện đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm gần đây Hà Nội đã công nhận nhiều làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Hiện nay, ở hầu hết các huyện ngoại thành như: Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ, Tây Hồ,… đều có làng nghề hoa, cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú từ nghề này. 

Ngoài ra, một số khu vực còn phát triển mô hình trồng hoa áp dụng công nghệ cao: Trồng hoa lan, hoa ly,… trong nhà lưới, nhà kính, cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha (các huyện Đan Phượng, Mê Linh).

Kết quả trên có được nhờ việc tích cực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đề ra mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Hoa - cây cảnh, sinh vật cảnh cũng là một trong những nội dung quan trọng được bổ sung vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển nông nghiệp, nông thôn đô thị. 

Thành phố đã chú trọng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với các đặc thù của Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn… Đặc biệt đã đặt ra vấn đề cần có chính sách khuyến khích phát triển hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh, trồng cây vùng nội đô…

Nông nghiệp sinh thái tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô- Ảnh 2.

Thành phố đã chú trọng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với các đặc thù của Thủ đô. Ảnh: Viện Khoa học Nông nghiệp VN

Từ đó, chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên, nhiều nơi đã tiệm cận mức sống của khu vực đô thị phát triển. Diện mạo nông thôn đổi thay mạnh mẽ phải kể đến thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm không có điểm dừng, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Phát huy những thành quả đã đạt được, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu về đích trước 1 năm đối với các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh. Dự kiến đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 9.000ha. Ngoài các vùng hoa truyền thống hiện nay, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây, đặc biệt là vùng bãi ven sông.

Hiện thực hóa các nhiệm vụ nêu trên là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi cấp Ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động, linh hoạt, làm đâu chắc đấy đối với từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Và trên hết là phải tạo ra phong trào liên tục, thường xuyên, bền bỉ trong khu vực nông thôn Thủ đô, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Minh An
Ý kiến của bạn
Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ

Theo báo cáo từ Economist Intelligence Unit (EIU), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện mạnh nhất trong giai đoạn 2003-2023, với điểm đánh giá đạt 1,3 điểm, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được nghiên cứu.