Nông nghiệp Thanh Hóa đạt và vượt nhiều chỉ tiêu năm 2024
Trong 9 tháng năm 2024, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,43%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản đạt gần 240 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra và cao nhất từ trước đến nay.
Song, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, nên ngành NN&PTNT đã có bước phát triển với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng (VA) đạt 3,75%; sản lượng lương thực 1.561.518 tấn (vượt 1,4% KH); diện tích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao 6.200ha (đạt 100% KH); tỷ lệ che phủ rừng 53,8% (đạt 100% KH); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 97,9% (đạt 99,79% KH), trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đạt 63,4% (đạt 99,2% KH); toàn tỉnh có thêm 1 huyện và 4 xã nông thôn mới (NTM), 20 xã NTM nâng cao và 11 xã NTM kiểu mẫu, 68 sản phẩm OCOP.
Đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT chú trọng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thanh Hóa tiếp tục quan tâm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được trên 55.000 ha đất nông nghiệp; trong đó riêng 9 tháng năm 2024 đã tích tụ, tập trung được 6.200 ha đất nông nghiệp, đạt mục tiêu kế hoạch cả năm. Nhờ đó, các vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành như: vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh lúa… đồng thời tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng.
Đây là điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 1.600 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích liên kết bao tiêu sản phẩm trồng trọt duy trì trên 80.000 ha. Sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 1,56 triệu tấn. Các sản phẩm cây trồng được mùa, được giá, giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng trọt ước đạt 125 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với cùng kỳ.
Trong phát triển lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 36.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, phát triển được 7 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp; an ninh rừng ổn định, sản lượng gỗ tăng góp phần phục vụ xuất khẩu.
Khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng cả về sản lượng và giá trị; công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được quan tâm chỉ đạo và có kết quả rõ rệt, quan tâm vào cuộc từ tỉnh đến các ngành, địa phương. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 164.000 tấn, tăng cao hơn so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng được mở rộng đã góp phần tăng giá trị, sản lượng thủy sản.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều dự án, nhất là các dự án chăn nuôi công nghệ cao được đưa vào khai thác và có sản phẩm cung cấp ra thị trường đã góp phần đưa trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi trong 9 tháng qua đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Trong những tháng cuối năm 2024, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ thu mùa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị của vụ mùa và cả năm 2024.
Đồng thời, xây dựng Kế hoạch sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2025; phương án sản xuất vụ đông 2024 - 2025 và vụ xuân năm 2025. Tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm ổn định, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch giao.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh rừng, phòng chống cháy rừng, tập trung chỉ đạo trồng rừng đảm bảo kế hoạch giao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nuôi trồng, khai thác thủy sản và một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU.
Kết quả đạt được khẳng định vai trò quan trọng, đường hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cho thấy Thanh Hóa đang thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Yến HoàngNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".