Nông nghiệp Việt Nam năm 2023: Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt vừa lập kỳ tích vượt 53 tỷ USD và tự tin chạm ngưỡng 55 tỷ USD trong năm 2023. Nhưng, năm 2023 được xác định còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành Nông nghiệp cần vượt qua.
Những thách thức của ngành Nông nghiệp trong năm 2023
Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả năm đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao phó một năm trước. Tin vui khác là xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022.
Kết quả trên càng khẳng định vai trò "trụ đỡ" của ngành nông nghiệp trước nền kinh tế đầy biến động.
Bước sang năm 2023, dựa trên kết quả xuất khẩu ở mức khả quan trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã đặt mục tiêu mới trong năm 2023 với nhiều chỉ tiêu ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD.
Mục tiêu đề ra là như vậy, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt xa mục tiêu đề ra và có thể đạt kỷ lục mới 55 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, khi đã thành công thì vẫn có những câu hỏi đặt ra cho những người làm nông nghiệp. Đó là làm thế nào để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, để đời sống người nông dân thêm khấm khá?
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 480.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (trong đó, rau trồng theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng trên 10%), còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 8.304 cơ sở. Ngoài ra, có gần 90.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.
So với quy mô trồng trọt và chăn nuôi của cả nước, diện tích cây trồng và vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap hiện còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc các siêu thị, trung tâm thương mại, hay các chợ đầu mối… bán sản phẩm VietGap nên chất lượng các sản phẩm trên thị trường “vàng thau lẫn lộn”.
Trong khi đó, để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... nông sản Việt hiện phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe do các nước đưa ra, trong đó nổi bật là vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Còn với hàng hóa sản xuất để tiêu thụ ở trong nước, các doanh nghiệp đang lấy chuẩn VietGap hay VietGAHP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là thước đo cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng như hàng xuất khẩu rất khó...
Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế (trong đó có mặt hàng gỗ và lâm sản mà năm 2022 đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tới 17,09 tỷ USD, xuất siêu tới 14,1 tỷ USD trong khi tổng xuất siêu của cả ngành nông lâm thủy sản chỉ đạt 8,5 tỷ USD).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đánh giá ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với ba chữ “biến”, đó là “biến đổi khí hậu", "biến động thị trường", "biến chuyển xu thế tiêu dùng”.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là: Tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao...
Với những khó khăn, thách thức của năm 2023, tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt trong điều hành sản xuất.
Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả
Thủ tướng yêu cầu, ngành Nông nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất, ngành tiếp tục lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới thích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
Cụ thể như những mô hình nông nghiệp mới như lúa - tôm, lúa - rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã tạo ra một sinh khí mới thay vì chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia. Doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình thị trường lâu dài.
Trong năm 2023, nhiều hình thức tổ chức sản xuất được đẩy mạnh đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát lại các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về văn hóa, hướng đến xây dựng làng quê, nông thôn Việt Nam đẹp hơn, văn minh hơn.
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ kết hợp tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.
Chú trọng nâng cao các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Minh An (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".