Nông nghiệp xuất siêu 2,68 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm

Xuất nhập khẩu
02:22 PM 01/03/2024

Theo số liệu thống kê vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.

Theo số liệu thống kê vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao như: sản phẩm gỗ 1,68 tỷ USD tăng 59%, cà phê 1,38 tỷ USD tăng 85%, rau quả 970 triệu USD tăng 72,8%, gạo 708 triệu USD tăng 49,8%, hạt điều 595 triệu USD tăng 68,2%, tôm 403 triệu USD tăng 20,5%. Riêng cá tra xuất khẩu chỉ đạt 224 triệu USD giảm 0,7%.

Nông nghiệp xuất siêu 2,68 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Nông nghiệp xuất siêu 2,68 tỷ USD trong 02 tháng đầu năm. Ảnh internet.

Giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông sản chính trong các tháng vừa qua cũng duy trì ở mức khá cao. Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu trung bình 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%;chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%...

Về thị trường, hiện khu vực châu Á là thị trường nhập khẩu chính các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á trong các tháng đầu năm đạt 4,55 tỷ USD tăng 43%. Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị thị trường nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng nông lâm thủy sản từ Việt Nam với tỷ lệ 21%, tăng 47,9% và 7,2% tăng 29,2%.

Các khu vực khác như châu Mỹ, châu Âu lần lượt đạt 2,31 tỷ USD và 1,28 tỷ USD, tăng tương ứng 74,2% và 52,6%. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 21,5%.

Cùng với xuất khẩu, thị trường hàng hóa nông sản trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được bảo đảm; thị trường hàng hóa, cung-cầu trong và sau Tết nguyên đán tương đối ổn định, sức mua tăng và không có tình trạng tăng giá đột biến.

Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu được tiêu thụ mạnh như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trái cây... nhất là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Bộ này đang tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tổ chức các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; Tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử… đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn