Nông sản Mỹ tăng tốc mở rộng thị phần tại Việt Nam

Thị trường
07:54 AM 08/06/2025

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ là một trong những nước xuất khẩu nông sản sang Việt Nam tăng mạnh nhất.

Mỹ hiện đứng thứ 3 về nguồn cung các mặt hàng nông lâm thủy sản cho Việt Nam với thị phần 8,2% và đạt tốc độ tăng trưởng 5,4% trong 5 tháng qua. Trong số này, có nhiều mặt hàng tăng trưởng đến 2 con số. 

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, Việt Nam chi tới 203 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ Mỹ với tốc độ tăng trưởng gần 60% và Mỹ chiếm đến 26% thị phần rau quả nhập khẩu của Việt Nam.

Các loại trái cây như táo, nho, cherry, việt quất từ Mỹ tiếp tục được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhờ chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp và được quảng bá hiệu quả thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại.

Nông sản Mỹ tăng tốc mở rộng thị phần tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó là các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Mỹ là nguồn cung gỗ lớn thứ 2 cho Việt Nam với thị phần 13%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2025 từ thị trường Mỹ tăng 32%.

Một mặt hàng khác mà Việt Nam cũng tăng nhập từ Mỹ là đậu nành. Mỹ và Brazil là 2 thị trường dẫn đầu về nguồn cung cho Việt Nam với thị phần lần lượt 59% và 28%. Trong 4 tháng qua, thị trường Mỹ tăng trưởng trên 19%, trong khi Brazil lại giảm 58%. Lý do chính là doanh nghiệp Việt đánh giá cao chất lượng ổn định, độ thuần chủng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ đậu tương Mỹ – yếu tố quan trọng khi xuất khẩu sản phẩm chế biến sang châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua không phải là điều bất ngờ vì từ đầu tháng 4, Việt Nam áp dụng Nghị định 73 tiến hành giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng, trong đó nhiều mặt hàng có thuế về 0%. Với xu hướng giảm thuế hiện nay, lượng rau quả nhập khẩu từ Mỹ còn tiếp tục tăng mạnh.

Điều tương tự cũng được các chuyên gia chăn nuôi và chế biến gỗ xác nhận. Cụ thể, đối với lĩnh vực chăn nuôi, đáng chú ý như thức ăn chăn nuôi được giảm thuế nhập khẩu từ 2% về 0%. Mặt hàng khô dầu đậu nành cũng được giảm thuế nhập khẩu từ các mức thuế suất 2% và 1% về cùng một mức thuế suất 0%. Hay như gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc Nhóm 44.21, Nhóm 94.01 và 94.03 từ các mức thuế suất 20% và 25% được giảm xuống cùng một mức thuế suất 0%...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu rau quả nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 46,1%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9,1% và 6%.

Với mặt hàng hạt điều, Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 21,7%, 19,4% và 9%.

Mỹ cũng là một trong ba thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất, cùng với Đức và Ấn Độ. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 32,4%, thị trường Đức tăng 87,8%, thị trường Ấn Độ tăng 84,1%.

Việc giảm thuế và tăng cường nhập khẩu nông sản từ Mỹ không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung trong nước mà còn thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá mức vào nông sản nhập khẩu, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn, có thể tạo ra rủi ro khi xảy ra biến động địa chính trị hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng đầu vào cũng cần được nâng cao nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và cạnh tranh công bằng với hàng nội địa.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn