Nông sản Việt Nam xuất khẩu "vướng" nhiều cảnh báo
Theo đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng trong thời gian qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường trong số lượng cảnh báo từ EU. Đây là những thông tin được ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam cung cấp tại Hội nghị "Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản thực phẩm" diễn ra sáng 2/8.
Cụ thể, EU đã phát đi 2.700 cảnh báo, trong đó có 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm tỷ lệ 2,1%) đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, TP.HCM là 23/57 lượt cảnh báo, mặc dù các vùng sản xuất chính có thể không nằm tại TP.HCM.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng trái cây Việt Nam phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn là thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
Ngoài ra, còn có các mặt hàng bị cảnh báo có nguồn gốc thực vật như: quế, chôm chôm, rau gia vị; thủy sản: cá, mực, tôm, ếch, ngao…; các sản phẩm chế biến như: tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở… có dấu hiệu vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ cho phép, kiểm soát vi sinh vật gây hại, kiểm soát các nguồn tác động hoặc một số nguyên nhân khác.
Trọng lượng các lô hàng bị cảnh báo từ 20 kg đến 24 tấn, đa số dưới 1 tấn. Riêng thanh long có 7 lô hàng từ 444 kg - 1,8 tấn; ớt gần 10 lô hàng 38 kg - 6,37 tấn và châu Âu đã nâng tần suất kiểm tra với 2 mặt hàng này.
Ông Nam cảnh báo: Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trước tình hình trên, ông Nam cho biết, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Song song với hoạt động triển khai đề án cần có sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Trung ương cần tăng cường đàm phán tháo gỡ khó khăn với các nước nhập khẩu về các biện pháp SPS; ký kết và nâng cấp các FTA; thúc đẩy mở cửa thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thường xuyên về các biện pháp ATTP tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cập nhật các quy định của các nước nhập khẩu để phổ biến kịp thời cho các cơ quan, đơn vị để có điều chỉnh phù hợp; tăng cường biên soạn, đăng tải các tài liệu, cẩm nang về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, ATTP, SPS của các thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…
Minh An (t/h)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.