Nông sản Việt tăng tốc vào EU nhờ thuế suất ưu đãi
Chỉ sau một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU đã tăng 25,5%
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nông sản Việt tăng tốc vào EU nhờ thuế suất ưu đãi. Giá trị xuất khẩu sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt trong bối cảnh đầu ra ở thị trường truyền thống là Trung Quốc đang sụt giảm mạnh.
Theo đánh giá của ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
"Ngoài các đơn hàng lớn như Vina T&T và Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thì hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ khác đang xuất khẩu trái cây tươi vào EU. Các đơn hàng nhỏ lẻ này của doanh nghiệp vẫn đều đặn xuất khẩu và bước đầu được hưởng lợi về thuế từ EVFTA", ông Nguyên cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, châu Âu từ lâu được biết đến là một trong những thị trường đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn chất lượng. Nay với việc rào cản thuế quan được xóa bỏ thì những rào cản phi thuế quan có thể còn được nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang gặp một số trở ngại về cước vận chuyển và quảng bá sản phẩm khi tiếp cận thị trường EU. Cụ thể, do châu Âu là vùng dịch lớn vẫn chưa kiểm soát được dẫn tới vấn đề vận chuyển trái cây tươi phải chịu cước phí cao gấp đôi so với trước đây. Thêm vào đó, muốn tăng xuất khẩu phải có chiến dịch marketing, trong khi đó các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thời điểm này đều chưa thể thực hiện trực tiếp được. Đây là những thách thức không nhỏ mà rau quả từ Việt phải vượt qua để tăng kim ngạch vào EU trong thời gian tới.
Riêng với vấn đề cước vận chuyển, nhiều doanh nghiệp cho biết đang chuyển cơ cấu sản phẩm sang những mặt hàng có thời gian bảo quản lâu hơn như thanh long, sầu riêng… để đi bằng đường biển. Đặc biệt chú trọng hơn vào việc xúc tiến giới thiệu sản phẩm qua kênh online và liên hệ chặt chẽ với các Tham tán thương mại ở EU để tiếp cận khách hàng.
Phúc LâmTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.