Nữ "chiến sĩ áo trắng" xứ Thanh hết mình nơi tâm dịch
Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, tâm điểm là các tỉnh thành phía Nam, đã có nhiều việc làm tốt, hình ảnh đẹp, ý nghĩa nhất là hình ảnh các nữ chiến sĩ áo trắng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, khiến mọi người không khỏi xúc động.
Lao vào tâm dịch, đội ngũ y, bác sỹ trên khắp mọi niềm Tổ quốc tình nguyện lên đường "Vì niềm Nam ruột thịt" trong đó đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ nữ đã khắc phục khó khăn, bất cập, bỏ lại những niềm riêng để cống hiến. Các chiến sĩ ấy luôn tâm niệm đến với nơi "chảo lửa" dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm, là lương y mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao, còn gì hạnh phúc hơn khi mình được cống hiến, được là một trong rất nhiều người đứng nơi tuyến đầu chống dịch, ngày đêm hết mình giành giật sự sống trở về cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng.
Là một điều dưỡng viên công tác tại bệnh viện lớn nhất, nhì tỉnh Thanh Hóa, trước khi quyết định dấn thân vào tâm dịch, chị Nguyễn Thị Tuyết, Khoa nội A, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa hiểu rõ hơn ai hết tính chất công việc sẽ vô cùng khó khăn, vất vả. Đó không đơn thuần là chuyến công tác xa nhà. Diễn biến dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh rất phức tạp, số bệnh nhân dương tính với COVID-19 mỗi một tăng khiến cho nguy cơ lây nhiễm cao. Chỉ một chút sơ hở, bất kể ai, dù là y, bác sĩ cũng có thể hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, sức "nóng" của các ca dịch vẫn khiến muôn trái tim người Việt như bị bóp nghẹt. Ai cũng mong được góp sức mình cùng cả nước vượt qua trận chiến này.
Được biết, ngoài chị Tuyết, gia đình chị còn có 2 người khác cũng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Đó là Thượng úy Nguyễn Văn Thuận (anh trai chị Tuyết), hiện công tác ở Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thủ Đức, tham gia trực ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch, làm án tử vong chưa rõ liên quan đến dịch bệnh COVID-19; em Nguyễn Văn Hưng, sinh viên năm cuối của Trường Đại học An ninh Nhân dân (TP Hồ Chí Minh) tham gia trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại TP Thủ Đức. "Khi biết cả 3 người con đều tham gia tuyến đầu chống dịch, bố mẹ mình rất lo lắng. Riêng mình, khi đăng ký tình nguyện tham gia đoàn công tác hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, đã giấu gia đình, đến ngày lên đường mới báo cho bố mẹ biết. Dẫu lo lắng, thấp thỏm không yên nhưng bố mẹ hiểu trách nhiệm, ý nghĩa công việc của các con nên bố mẹ đã động viên cả ba anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và an toàn trở về" – chị Tuyết tâm sự.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngọ Viết Chung, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương đi chi viện cho TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đoàn y, bác sĩ tình nguyện đợt này của bệnh viện có 36 người, trong đó có đến 26 nữ. Ngày tiễn đoàn lên đường làm nhiệm vụ, lãnh đạo TP Sầm Sơn và bệnh viện đã ghi nhận và vô cùng cảm kích tinh thần xung kích, dũng cảm của các nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng bệnh viện. Vào "trận chiến" này, chúng tôi xác định sẽ vô cùng vất vả và sự hy sinh này còn nhân lên gấp nhiều lần với chị em khi sức khỏe hạn chế hơn nam giới, lại phải làm việc và thích nghi trong điều kiện thời tiết, sinh hoạt, ăn uống thất thường; cùng với đó là những cảm xúc, niềm trăn trở khi nghĩ về gia đình, lo cho con cái trong bối cảnh quê nhà cũng bùng phát dịch.
Cũng như nhiều chiến sỹ áo trắng khác, bác sĩ Nguyễn Thị Chung, công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương (đóng tại TP Sầm Sơn), gác lại công việc của một bác sĩ điều trị tại bệnh viện, gửi mẹ già mắc bệnh Alzheimer và 2 con nhỏ để người thân chăm sóc. Chị có 6 tuần thực hiện nhiệm vụ nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Tăng cường cho bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức, chị được phân công nhiệm vụ bác sĩ điều trị tại Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID nặng và hậu hồi sức.
"Khó có thể diễn tả hết sự vất vả cũng như tốc độ công việc cần kíp tại nơi này. Block 4B được ví như "tầng tháp" thứ 4/5 trong khung mức độ diễn biến tình trạng bệnh. Do đó, áp lực công việc đòi hỏi phải luôn sát sao theo dõi và thao tác nhanh để có thể quan sát, xử lý tình huống kịp thời hoặc kịp báo cáo chuyển khoa cấp cứu khi bệnh nhân đột ngột trở nặng. Sốt ruột, lo lắng lắm khi mẹ già ở quê đau đáu mong chờ, 2 con nhỏ mới học lớp 9 và lớp 5 phải tự chăm sóc nhau khi bố cũng bận rộn với công việc là bác sĩ, Phó trưởng Ban phòng, chống dịch của bệnh viện; nhưng, mỗi khi đối diện với công việc hiện tại, chứng kiến mức độ nguy cấp, sự sợ hãi của bệnh nhân, tôi lại tạm gác lại nỗi niềm riêng tư để hết lòng chú tâm vào công việc" - bác sĩ Chung xúc động chia sẻ với chúng tôi trong phút giây tranh thủ ca trực tối.
Trong đoàn công tác với bác sĩ Chung, suốt những tuần qua, điều dưỡng Trịnh Thị Trang không phút ngơi tay với công việc. 1 ca làm việc của điều dưỡng Trang, ngoài tiêm thuốc, đi buồng thăm khám 4 lần mỗi ngày, thì tuần tự 48 giờ phải lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lại cho bệnh nhân một lần. Bản thân chị, 3 - 4 ngày cũng phải làm xét nghiệm RT-PCR tầm soát lây nhiễm chéo COVID-19 tại nơi mà nồng độ virus COVID-19 rất cao trong không khí. Mỗi khi có bệnh nhân nặng cần phải chuyển bệnh viện tuyến trên, điều dưỡng Trang luôn xung phong đi hộ tống dù trong suốt quá trình đó đến khi về đều phải mặc bảo hộ kín mít, vô cùng ngột ngạt và bức bí. Hay mỗi khi thấy bệnh nhân được xuất viện bớt, điều dưỡng Trang lại đề xuất với Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hải - phụ trách Block 4B nhận thêm bệnh nhân về. Trong khi đó, với "trận chiến" tại nơi tâm dịch này, vây quanh mình là các bệnh nhân COVID-19 - F0 nặng, dường như đã là những nỗi sợ hãi với tất cả những người ngoài cuộc khi phải tiếp xúc gần.
Điều dưỡng Trang kể: Có những đêm, vì vội vã cần cho bệnh nhân thở, tôi và đồng nghiệp phải chạy vội đi lấy, lăn những bình ô xy to tướng trên sàn nhà. Sau mỗi ca trực, người đều tắm trong mồ hôi và ngồi thở dốc. Với những bệnh nhân tuổi cao, nằm liệt giường, mắc bệnh tâm thần, công việc lại càng nặng lên gấp bội. Có đôi khi, mình còn phải trở thành người bạn, người thân để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân trong giây phút yếu mềm, mất niềm tin chống chọi với bệnh tật. Được mang nghiệp vụ, sức lực của mình để giúp đỡ những bệnh nhân nơi đây trong cơn hoạn nạn là một niềm hạnh phúc. Chị Trang nhớ lại: Làm nhiệm vụ trong khu cách ly, công việc nhiều, thời gian gấp, mỗi ngày chúng tôi chỉ được duỗi chân vài ba tiếng, tuy nhiên không ai lấy đó là điều bận lòng. Chúng tôi luôn tự nhủ và động viên nhau: Vẫn biết sẽ thật nhiều gian nan, vất vả, nhưng đây là lúc người dân, đất nước cần mình nhất, nên phải cố gắng, vững vàng thực hiện thật tốt nhiệm vụ đã được giao. Nhưng những lúc được ngơi tay một chút là lại thấy nhớ con vô cùng: "Nhìn hình ảnh đứa con gái mới bước vào lớp 1 với đôi dép cọc cạch được hàng xóm đưa đến trường trong ngày khai giảng, (vì cả bố và mẹ đều bận đi chống dịch Covid) mà tôi không cầm được nước mắt. Chỉ biết gọi điện về động viên con cố gắng chăm ngoan để mẹ yên tâm công tác rồi về sớm với con." – chị Trang xúc động chia sẻ.
Có thể nói, ngày trở về với những nữ "chiến sĩ áo trắng" dũng cảm này chưa thể biết trước, khi khối lượng công việc còn bộn bề, lượng bệnh nhân chuyển đến thuyên giảm chưa đáng kể. Gác lại nỗi lo lắng và tình cảm riêng tư, họ vẫn đang nỗ lực từng ngày với một công việc có tính chất phức tạp cao và hơn hết, vì trách nhiệm với tính mạng từng bệnh nhân đang chiến đấu, giành giật với sự sống ở "cuộc chiến" này. Lúc này, bệnh nhân đang cần họ, cuộc chiến Covid này không thể thiếu họ xông pha, cống hiến.
Yến HoàngCác chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.