Nửa đầu năm, xuất khẩu bạch đậu khấu, nhục đậu khấu thu về 15,3 triệu USD

Xuất nhập khẩu
07:54 AM 13/07/2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 1.684 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, đạt 15,3 triệu USD.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhiều loại gia vị phổ biến như hạt tiêu, quế, hoa hồi… Không chỉ nổi tiếng với hồ tiêu, quế, hoa hồi, Việt Nam còn nổi tiếng với bạch đậu khấu và nhục đậu khấu.

Nửa đầu năm, xuất khẩu bạch đậu khấu, nhục đậu khấu thu về 15,3 triệu USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa .Ảnh: VPSA

Bạch đậu khấu là một loại gia vị có mùi thơm đặc trưng, vị cay the - đang dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Không chỉ được xem là “vàng xanh” của núi rừng Việt Nam, loại cây này còn góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu nhóm gia vị của nước ta.

Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1.684 tấn bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, đạt 15,3 triệu USD, tăng lần lượt 8,4% về sản lượng và 21,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai doanh nghiệp xuất khẩu lớn là Nedspice Việt Nam (1.152 tấn) và Olam Việt Nam (361 tấn). Thị trường tiêu thụ chủ yếu gồm Hà Lan (532 tấn), Mỹ (352 tấn), Anh (256 tấn) và Đức (240 tấn) - những quốc gia chuộng thực phẩm sạch, có giá trị dược liệu.

Dù ít được sử dụng trong đời sống hằng ngày của phần lớn người Việt, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu lại là “ngôi sao sáng” trong ngành gia vị, sánh ngang với nghệ tây và vani về giá trị thương mại.

Với hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đặc trưng và công dụng đa dạng từ gia vị cao cấp trong ẩm thực, dược liệu trong Đông - Tây y, đến nguyên liệu trong nước hoa và mỹ phẩm, Bạch đậu khấu được săn lùng bởi hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, những thị trường khó tính như Hà Lan, Mỹ, Anh lại đang là những khách hàng lớn nhất của sản phẩm này từ Việt Nam.

Ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký VPSA cho biết: Bạch đậu khấu Việt Nam được đánh giá cao vì có chất lượng ổn định, độ tinh dầu cao và mùi thơm mạnh, rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là lợi thế cạnh tranh mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng bạch đậu khấu tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn và chủ yếu mang tính tự phát, chưa hình thành các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn quốc tế.

Song, với mức giá cao gấp nhiều lần các cây trồng truyền thống, nhiều địa phương miền núi đã bắt đầu chú ý tới việc mở rộng diện tích trồng loại cây đặc biệt này.

Các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La... được đánh giá là có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất cho việc phát triển bạch đậu khấu chất lượng cao.

Việc xây dựng mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. hay hướng đến chứng nhận hữu cơ châu Âu, Mỹ sẽ là bước đi quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu và khẳng định thương hiệu “gia vị Việt” trên bản đồ thế giới.

Đồng thời, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến nghị cần có sự liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến - nhà xuất khẩu để đảm bảo đầu ra bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Nếu được quy hoạch bài bản, hỗ trợ giống, kỹ thuật, liên kết thị trường, bạch đậu khấu không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu.

Theo ông Lê Việt Anh, hiện nay, bạch đậu khấu Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là thời điểm vàng để ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và người dân cùng bắt tay khai thác “mỏ vàng gia vị” này một cách bền vững và hiệu quả.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa

Từ 12/7 đến hết 27/7, Lễ hội Xòe sẽ được tổ chức tại Bản Mây, khu du lịch Sun World Fansipan Legend, mở ra một không gian độc đáo và thú vị để du khách được sống trong văn hóa đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.