Nửa đầu năm, xuất siêu nông lâm thủy sản tăng 62,4%

Xuất nhập khẩu
03:20 PM 28/06/2024

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.

Số liệu công bố mới nhất của Bộ NNPTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%.

Theo đó, có 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu (Gạo 4,68 triệu tấn, tăng 10,4%, giá trị 2,98 tỷ USD, tăng 32%; hạt điều 350.000 tấn, tăng 24,9%, giá trị 1,92 tỷ USD, tăng 17,4%); Cà phê tuy giảm về khối lượng, đạt 902.000 tấn, giảm 10,5%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6%.

Nửa đầu năm, xuất siêu nông lâm thủy sản tăng 62,4%- Ảnh 1.

Nửa đầu năm, xuất siêu nông lâm thủy sản tăng 62,4%. Ảnh: Internet

Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Để đạt được kết quả này, Bộ NNPTNT cho biết đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi... Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.

Trong đó, có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%).

5 mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); ngô 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn