Nửa đầu tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu 15,1 tỷ USD hàng hóa
Nửa đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường toàn cầu lượng hàng hóa tương ứng 15,1 tỷ USD, mức thực hiện này giảm 7,5% so với nửa cuối tháng 12/2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1/1 – 15/1) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 1,01% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 29,48 tỷ USD). Trong kỳ đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu 0,38 tỷ USD hàng hóa.
Đối với xuất khẩu, kim ngạch đạt gần 15,1 tỷ USD, giảm 7,5% so với nửa cuối tháng 12/2023, trong đó các doanh nghiệp FDI đóng góp 11 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 01/2024, có 04 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 2,86 tỷ USD, chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,24 tỷ USD, chiếm 14,85. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may với các kết quả lần lượt là: 1,63 tỷ USD, chiếm 10,8%; gần 1,3 tỷ USD, chiếm 8,55%.
Riêng 04 nhóm hàng chủ lực chiếm tới 53,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 1 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với kỳ trước, trong đó kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 9,48 tỷ USD.
Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 4,27 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ khác đạt 1,92 tỷ USD.
Trong nhóm nông thủy sản, Việt Nam nhập khẩu hàng rau quả tăng 7,8% về trị giá, lên mức 107 triệu USD; lúa mì tăng tới 61%, lên mức 86 triệu USD. Riêng đậu tương ghi nhận tăng 226%, đạt mức 60 triệu USD.
Ngược lại, thủy sản giảm 13,9%, đạt 108 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa giảm 3,5%, còn 38 triệu USD; hạt điều giảm 4,3%, ở mức 54 triệu USD; ngô giảm 13%, còn 101 triệu USD. Dầu mỡ động thực vật cũng giảm 24,4% với kim ngạch 36,8 triệu USD.
Nửa đầu tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi với 227 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón nhập khẩu cũng cao gấp 1,9 lần về lượng với 187.834 tấn (cùng kỳ đạt 97.337 tấn); tăng 40,6% về trị giá, đạt 55 triệu USD.
Đối với các mặt hàng nguyên liệu khác, Việt Nam nhập khẩu 74.062 tấn bông và 48.840 tấn xơ, sợi, tương ứng tăng lần lượt 90% và 23% so với cùng kỳ. Lượng nhập khẩu sắt thép cũng tăng gần gấp 2 lần, từ 376.532 tấn lên 738.940 tấn.
Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chính, có 34 mặt hàng nhập khẩu có trị giá cao hơn so với cùng kỳ và 19 mặt hàng có kim ngạch đi lùi. Như vậy, cán cân thương mại 15 ngày qua thặng dư khoảng 400 triệu USD.
Sang năm 2024, kinh tế toàn cầu chưa sáng hơn, sức mua hàng hóa vẫn chậm, hoạt động xuất khẩu càng thêm khó khi căng thẳng tại Biển Đỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến vận tải biển huyết mạch, đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Canada tăng mạnh.
Mới đầu tháng 01/2024, nhiều hãng tàu vừa công bố tăng cước vận tải biển đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, châu Âu, Canada, với mức tăng từ 50%, thậm chí tăng gấp đôi so với tháng 12/2023, khiến doanh nghiệp xuất khẩu đầy ắp nỗi lo.
Theo Bộ Công Thương, căng thẳng Biển Đỏ tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa Á-Âu và bờ Đông Bắc Mỹ mất nhiều thời gian, tốn kém hơn. Điều này gây bất lợi cho Việt Nam trong việc phục hồi xuất khẩu.
Huyền My (t/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.