Nửa năm, ngành nông lâm thủy sản thu về đạt 29,2 tỷ USD

Kinh doanh
12:51 PM 29/06/2024

Chiều ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp báo về Kết quả công tác 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Số liệu của Bộ cho biết, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam… 

Trong bối cảnh đó, Bộ và toàn Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Nửa năm, ngành nông lâm thủy sản thu về đạt 29,2 tỷ USD- Ảnh 1.

Báo cáo tại buổi họp báo cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.

Báo cáo tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ). Gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); xuất khẩu hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%).

Nửa năm, ngành nông lâm thủy sản thu về đạt 29,2 tỷ USD- Ảnh 2.

Ảnh minh họa Internet

Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.

Trong đó, có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; rau quả; gạo; tôm. 5 mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu; bông các loại; chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt; ngô; lúa mì.

Nhật Mai
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.