Nước mắm truyền thống vượt thách thức, nỗ lực vươn xa
Dù đối mặt nhiều thách thức, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu mở rộng thị phần nước mắm trên thị trường toàn cầu, được dự đoán sẽ tăng từ 18,5 tỷ USD năm 2023 lên gần 29 tỷ USD vào năm 2032.
Theo dự báo của Introspective Market Research, thị trường nước mắm toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 18,5 tỷ USD năm 2023 lên gần 29 tỷ USD vào năm 2032. Đây là lĩnh vực tiềm năng trong phát triển kinh tế đối với các nước đang xuất khẩu sản phẩm này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việt Nam hiện là một trong 2 quốc gia xuất khẩu nước mắm lớn nhất thế giới (bên cạnh Thái Lan), thị trường nước mắm Việt Nam dự kiến sẽ có tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2024-2029 với tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 5,76% đạt giá trị 17,9 tỷ USD vào năm 2029.
Nước mắm truyền thống đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu...
Theo thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 4.188 cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất nước mắm truyền thống (NMTT); số doanh nghiệp sản xuất là 1.025, được phân bố ở khắp các tỉnh ven biển: miền Bắc có 564 doanh nghiệp, miền Trung 308 doanh nghiệp và miền Nam có 153 doanh nghiệp. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp đa số là loại nhỏ và vừa…
Do dân số Việt Nam gia tăng và thu nhập bình quân đầu người cải thiện, từ đó lượng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên và tốt cho sức khỏe ngày càng tăng. Những sản phẩm nước phẩm truyền thống trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Ngành dịch vụ ăn uống phát triển nhanh tạo ra nhu cầu cao cho các loại gia vị như nước mắm. Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam ngày càng được yêu thích trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nước mắm tại các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nước mắm truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nước mắm công nghiệp, vốn có giá thành rẻ hơn, dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn và các sản phẩm thay thế. Nhiều nhà sản xuất nước mắm truyền thống đang tìm cách hiện đại hóa quy trình mà vẫn giữ được hương vị nguyên bản, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm đến thị trường quốc tế. Đồng thời, nỗ lực cải tiến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu chí từ các thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Dẫu vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là nguồn nguyên liệu. Nếu không có cá cơm thì không có nước mắm truyền thống.
Cá cơm phát triển mạnh ở các vùng biển ven bờ, nơi có hệ sinh thái giàu dinh dưỡng, nhưng tình trạng đại dương nóng lên và giảm lượng oxy trong nước đã khiến đàn cá di chuyển xa hơn hoặc thu nhỏ kích thước.
Hệ quả không chỉ dừng lại ở việc ảnh hưởng đến sản lượng nước mắm. Cá cơm là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn đại dương, làm thức ăn cho các loài cá lớn hơn như cá thu, cá ngừ - những loài có giá trị kinh tế cao. Chúng cũng là nguyên liệu chính để sản xuất bột cá, phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. Nếu sản lượng cá cơm suy giảm, toàn bộ ngành thủy sản Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo những hệ lụy về kinh tế và an ninh lương thực.
Theo các chuyên gia, một trong những việc cấp thiết hiện nay của ngành nước mắm Việt Nam là cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nước mắm truyền thống, làm cơ sở để thúc đẩy quảng bá và xuất khẩu trên trường quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm truyền thống với quy mô lớn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất để đáp ứng dư địa rộng lớn của thị trường.
Ngoài ra, muốn có thể xuất khẩu được đi xa, nước mắm truyền thống cũng phải có một vị trí, chỗ đứng trên sân nhà. Ngoài câu chuyện của cạnh tranh, quyền lựa chọn của người tiêu dùng, sự nỗ lực cải tiến chất lượng, dịch vụ của các thương hiệu nước mắm truyền thống, vai trò cơ quan quản lý nhà nước cũng rất lớn. Một hành lang pháp lý rõ, không mập mờ khái niệm, định nghĩa, chất lượng… và sự hỗ trợ tính đến đặc thù của nghề sản xuất truyền thống (như cách thế giới làm với phomai, rượu vang...) là điều hết sức quan trọng trong quá trình đưa nước mắm truyền thống vươn xa.
An Mai (t/h)
Theo kế hoạch, ngày mai (3/4) là thời điểm liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Căn cứ giá xăng dầu tuần qua, các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu ngày 3/4 có thể sẽ được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp.